khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ Tư, 05/12/2012 - 11:32

Phật Tích phát triển rừng bền vững

Từ lâu người dân xã Phật Tích (Tiên Du) luôn tự hào bởi thiên nhiên ưu đãi ban tặng hơn 60 ha đồi núi, được gắn với nhiều di tích lịch sử văn hóa. Với niềm tự hào đó, chính quyền và nhân dân nơi đây luôn nỗ lực trồng, bảo vệ rừng và đất đồi núi, nhất là từ khi UBND tỉnh phê duyệt đề án phát triển rừng bền vững gắn với di tích lịch sử văn hóa giai đoạn 2011- 2015, Phật Tích là một trong 2 địa phương của Tiên Du nằm trong quy hoạch của đề án.

Để thực hiện đề án có hiệu quả, UBND huyện Tiên Du đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm, Hạt phúc kiểm Tiên Phong và các đơn vị chức năng, thành lập Ban quản lý, xây dựng kế hoạch và chỉ đạo xã Phật Tích triển khai tại địa phương. Với tâm điểm là núi Phật Tích, sau hơn một năm tiến hành, đề án đã đạt được những thành quả nhất định. Ban quản lý giao khoán công trồng, chăm sóc cho các hộ dân đăng ký tham gia và hỗ trợ 100% về vật tư, cây giống và bảo vệ 46,26 ha rừng, không để xảy ra cháy rừng hoặc chặt phá trái phép.
 

Phát triển rừng gắn với di tích chùa Phật Tích tạo cảnh quan môi trường, thu hút khách thập phương tới thăm quan.
 
Tính đến nay, diện tích trồng rừng thường xuyên trên núi Phật Tích chỉ đạt gần 1ha (chủ yếu là thông, keo), diện tích trồng rừng bền vững gắn với di tích lịch sử văn hóa đạt 7,9ha (đạt xấp xỉ 73% kế hoạch) với những loài cây bản địa như lim xanh, giẻ, lát hoa, sưa, trám, sấu...

Có những khoảng rừng đã đào hố, nhưng do thiếu kinh phí nên vẫn chưa trồng được cây. Nguyên nhân của vấn đề này là do vốn đầu tư cho 1ha rừng trồng bình thường chỉ hơn 9 triệu/ha, còn trồng rừng bền vững gắn với di tích lịch sử lại cần lượng vốn đầu tư lớn gấp 10 lần do việc vận chuyển đất màu lên núi, kích thước hố trồng lớn, cây giống và cần nhiều công chăm sóc bảo vệ hơn.

Trồng rừng thông thường chủ yếu là trồng những loài thông, keo, bạch đàn... có tuổi thọ cao nhất là 30, 40 năm, còn trồng rừng bền vững gắn với di tích lịch sử văn hóa là phải trồng xen kẽ thêm các loài cây bản địa, có tuổi thọ hàng trăm năm nhằm mục đích phát triển rừng bền vững và phòng hộ, bảo vệ môi trường và giữ gìn đa dạng sinh học.

Ngoài ra, hiện diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn đang có xu hướng giảm, do phải dành một phần diện tích cho mục đích khác, mặt khác do người dân tự ý di chuyển mồ mả, làm hàng quán, lấn chiếm đất... gây mất mỹ quan xung quanh những di tích lịch sử và gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện đề án.

Chị Nguyễn Thị Loan, chủ cửa hàng tạp hóa gần chùa Phật Tích cho biết: “Những ngày chùa Phật Tích tổ chức lễ hội thì có tới 300 hàng quán mọc lên san sát 2 bên đường, họ chặt cây, san đất để dựng quán, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, mất mỹ quan và tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng từ những bếp than tổ ong dùng để đun nước, nướng cá, và nhất là khi đốt rác thải...”.

Trao đổi với ông Nguyễn Anh Cường, Trạm phó Trạm Kiểm lâm Tiên Du, được biết, do trước đây các xã chưa có quy hoạch nghĩa trang nên tình trạng người dân tự ý di chuyển mồ mả tổ tiên lên núi và xây dựng kiên cố, gây khó khăn trong quá trình thực hiện đề án. Còn về việc người dân tự ý san lấp đất mở hàng quán, sau nhiều lần tuyên truyền, thuyết phục, người dân đã hiểu và có ý thức bảo vệ cây xanh, môi trường.

Hiện nay, huyện đã thành lập Ban chỉ huy phòng cháy chữa cháy rừng, ở các thôn, xã, thành lập những tổ, đội xung kích làm nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy rừng vào mùa khô và những mùa lễ hội. Hy vọng với những nỗ lực của đơn vị chức năng, sự ủng hộ của người dân, đề án phát triển rừng bền vững gắn với di tích lịch sử văn hóa sẽ được thực hiện hiệu quả. Phấn đấu đến năm 2015, diện tích trồng rừng bền vững tại Phật Tích đạt 11ha, phủ xanh 100% đất trống đồi núi trọc, trồng cây dọc hai bên đường lên các khu di tích và chăm sóc, bảo vệ 46,26ha diện tích rừng hiện có.
Bài, ảnh: Việt Anh
Top