Thứ ba, 18/12/2012 - 08:23
Tăng cường quản lý thị trường hàng Tết phục vụ nhân dân
Đã thành thông lệ, cứ dịp cuối năm thị trường hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán lại sôi động với những diễn biến phức tạp khó lường bởi nhu cầu tiêu dùng mua sắm của nhân dân tăng vọt. Đây là lúc các cấp, các ngành chức năng phải tăng cường công tác quản lý nhằm bảo đảm cho thị trường ổn định, phục vụ bà con vui đón Tết.
Năm nay, tuy ảnh hưởng của suy giảm kinh tế, thị trường hàng hóa còn trầm lắng song dự báo những tháng cuối năm, nhu cầu mua sắm Tết trên địa bàn vẫn sẽ tăng khoảng 20%. Đến thời điểm này, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đã tích cực đẩy mạnh dự trữ hàng hóa phục vụ Tết, nhất là các mặt hàng thiết yếu.
Tỉnh cũng đang tích cực đẩy mạnh chương trình bình ổn giá với việc hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia bình ổn 30 tỷ đồng vay không lãi suất để dự trữ 11 nhóm mặt hàng thiết yếu như: gạo, đường, thịt lợn, thịt gia cầm, bánh kẹo… với cam kết bán hàng đúng giá được duyệt và thấp hơn 5% so với thị trường. Tuy nhiên, trước những biến động phức tạp của thị trường trước, trong và sau Tết, nhất là tình trạng buôn lậu, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng, hàng cấm đang gia tăng ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng, thì việc tăng cường chuẩn bị hàng hóa và quản lý thị trường Tết càng đòi hỏi phải chủ động và quyết liệt hơn nữa nhằm phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân trong tỉnh.
Trước hết, ngành Công Thương và các ngành chức năng cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và của UBND tỉnh về công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá những tháng cuối năm 2012 và chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Quý Tỵ. Từ đó, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá, bảo đảm chuẩn bị đầy đủ hàng hóa và các điểm bán hàng bình ổn theo cam kết. Đồng thời, thường xuyên rà soát, nắm chắc tình hình chuẩn bị hàng hóa của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn, bảo đảm đầy đủ nguồn hàng phục vụ Tết, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, bảo đảm cân đối cung cầu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá trên thị trường; ưu tiên củng cố, mở rộng mạng lưới phân phối hàng hoá, nhất là các điểm bán hàng bình ổn giá đến các vùng nông thôn, khu công nghiệp, bảo đảm cho hộ nghèo, công nhân lao động có thu nhập thấp được hưởng lợi từ chương trình bình ổn giá.
Chi cục Quản lý thị trường và các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát giá cả, thị trường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định, trọng tâm là các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân, các mặt hàng trong kế hoạch bình ổn giá theo Kế hoạch của UBND tỉnh; kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Kiên quyết chống các hành vi đầu cơ, tăng giá bất hợp pháp, buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, kinh doanh trái phép… ảnh hưởng đến người tiêu dùng và các nhà sản xuất kinh doanh chân chính. Quyết liệt kiểm tra, xử lý vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là phải xử lý nghiêm việc buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm không kiểm dịch, nhập lậu, gây nguy hại đến sức khỏe người dân và nguy cơ dịch bệnh ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi của tỉnh, nhằm bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn cho nhân dân đón Tết.
Cùng với việc đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về tình hình thị trường, giá cả hàng hoá và các nội dung, giải pháp thực hiện bình ổn giá, dự trữ hàng hoá, kiểm tra, kiểm soát thị trường của tỉnh, các cấp, các ngành cũng cần tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm góp phần thúc đẩy quá trình lưu thông hàng hoá, phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của các tầng lớp nhân dân, để mọi người dân trên địa bàn tỉnh đều được đón Tết vui tươi, đầm ấm, an toàn và tiết kiệm.
Lê Thanh