khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ ba, 18/12/2012 - 09:14

Lấy dị vật đường tiêu hóa bằng nội soi ống mềm

Lấy dị vật đường tiêu hóa là thủ thuật hầu hết đều do bác sỹ Tai Mũi Họng thực hiện. Trong 12 năm (2000-2012), phòng nội soi tiêu hóa, Bệnh viện quân y 110 đã tiến hành lấy dị vật cho 368 trường hợp bằng nội soi ống mềm.

Đề tài “Đặc điểm lâm sàng, hình ảnh nội soi và kết quả lấy dị vật đường tiêu hóa trên bằng nội soi ống mềm tại khoa Tiêu hóa Bệnh viện 110” do TS.BS Diêm Đăng Thanh cùng cộng sự thực hiện nhằm tìm hiểu đặc điểm lâm sàng, hình ảnh nội soi bệnh nhân bị dị vật đường tiêu hóa trên và đánh giá hiệu quả, ưu nhược điểm của phương pháp này.

Lý do hầu hết bệnh nhân đến khám là nuốt đau sau ăn, chiếm 81,60%, nuốt vướng 6,73%, đau bụng 11,65%. Theo kinh nghiệm của các bác sỹ, bệnh nhân nuốt đau chủ yếu gặp ở các loại dị vật cứng, sắc nhọn. Những trường hợp dị vật mềm hoặc cứng tạo khối bã thức ăn nằm sâu trong dạ dày tá tràng gây biểu hiện đau bụng, nôn do khối bã thức ăn bít tắc môn vị và gây tổn thương, viêm loét dạ dày tá tràng. Độ tuổi nhỏ nhất trong 368 bệnh nhân là một cháu nhỏ 12 tuổi, lớn nhất 68 tuổi, hay gặp nhất 21-60 tuổi. Hầu hết các trường hợp có 1 dị vật, chiếm 88,34%; 11,65% có 2 dị vật. Các bệnh nhân bị với số lượng một dị vật đa phần ở thực quản, phản ánh rõ thực trạng mắc (tai nạn) trong sinh hoạt và ăn uống; những ca mắc hai dị vật là những khối bã thức ăn nằm trong dạ dày.
 

TS.BS Diêm Đăng Thanh nội soi ống mềm cho bệnh nhân.
 
Theo đánh giá, dị vật ở thực quản 87,4% do hóc các loại xương cá, xương gà; dị vật ở dạ dày tá tràng 11,65% là khối bã thức ăn nằm lâu ngày trong dạ dày, hay gặp nhất là bệnh nhân sau ăn măng, hồng ngâm. Dị vật cứng chiếm tới 97,15% bao gồm xương lợn, xương cá, xương gà, hồng xiêm, măng tươi; loại dị vật này gây triệu chứng rầm rộ làm bệnh nhân hoảng loạn, thường đến với thầy thuốc sớm nên việc điều trị gặp thuận lợi hơn. Điều đáng nói, trong số bệnh nhân có một trường hợp vô tình nuốt phải hai nửa lưỡi dao cạo râu Crome, người bệnh hốt hoảng lo lắng nhiều, chụp phim Xquang có hai nửa lưỡi dao cạo nằm trong dạ dày, bác sỹ khoa Tiêu hóa quyết định nội soi xác định chính xác, đã dùng mũ chụp đầu ống soi lấy thành công hai nửa lưỡi dao ra ngoài, giúp bệnh nhân tránh được cuộc mổ. Các ca mắc dị vật mềm chiếm 2,84% (măng khô, túi nilon, mực luộc, gân bò…), cá biệt 1 trường hợp nuốt tiền nhân dân tệ cuộn tròn trong túi nilon, nuốt đến dạ dày thì gây tắc. Loại dị vật này thường gây biến chứng nặng nề, song các triệu chứng ban đầu chỉ đau bụng mơ hồ, về sau triệu chứng rầm rộ thì đã biến chứng mất rồi.

Tại khoa Tiêu hóa, do điều kiện trang bị còn hạn chế nên đa số bác sỹ sử dụng 2 dụng cụ là thòng lọng và kìm (kìm Alligator và kìm Tripod Type). Chính sự thiếu dụng cụ cũng gây khá nhiều khó khăn cho cả thầy thuốc và người bệnh bởi dụng cụ không đặc chủng phải vận dụng. Kết quả, thòng lọng lấy được 256/386 trường hợp, chiếm 66,32%; kìm lấy được 123/386, chiếm 33,67%; trong đó 385/386 ca an toàn, thất bại 1 ca do bệnh nhân đến muộn, dị vật nằm ở dưới tá tràng, thiếu dụng cụ không lấy được phải chuyển mổ mở. Có khoảng 189/386 ca (48,96%) chảy máu rất ít, ngoài ra không có tai biến nào khác.

Theo TS.BS Diêm Đăng Thanh, đây là phương pháp lấy dị vật đơn giản, dễ làm và có độ an toàn cao; có thể lấy được các dị vạt dạ dày tá tràng mà nội soi thực quản ống cứng (chuyên khoa Tai Mũi Họng thực hiện) không thể với tới được; giải quyết được nhiều trường hợp lẽ ra chắc chắn phải mổ; chi phí điều trị thấp, không cần điều trị nội trú sau thủ thuật; thời gian lấy nhanh, không cần chuẩn bị trước cầu kỳ. Điều này khẳng định lấy dị vật đường tiêu hóa trên bằng nội soi ống mềm có thể thay thế nội soi thực quản ống cứng trong đa số các trường hợp.
Ngọc Duyệt
Top