khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ Tư, 19/12/2012 - 10:13

Nâng cao hiệu quả xử phạt uống rượu, bia khi lái xe

Sử dụng rượu, bia và các chất có cồn là một trong ba nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn giao thông (TNGT) ở nước ta. Để giảm thiểu số vụ tai nạn, hướng tới tuyên truyền, giáo dục ý thức người dân trong việc chấp hành Luật Giao thông, Ban ATGT tỉnh cùng các lực lượng chức năng đã tiến hành đồng loạt nhiều biện pháp, trong đó chú trọng nâng cao hiệu quả xử phạt đối với những trường hợp vi phạm các quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông.


Ông Ray Shuey (mặc áo trắng) trao đổi kinh nghiệm với các chiến sĩ CSGT Bắc Ninh.

Theo thống kê của Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia, toàn quốc có tới 40% số vụ TNGT và 11% số người chết khi lưu thông trên đường có liên quan đến rượu, bia. Tại Bắc Ninh, từ đầu năm đến nay, dù TNGT đã giảm trên cả ba tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương) nhưng không ít vụ vẫn xuất phát từ nguyên nhân rượu, bia. Theo các các cơ quan chức năng, rượu, bia tác động rất lớn đến thần kinh con người, làm giảm khả năng tự chủ, phản xạ và thị lực.

Đặc điểm của người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu bia thường là chạy tốc độ cao, lạng lách, không làm chủ được tay lái, phán đoán, xử lý tình huống kém. Do đó, say rượu, bia thường có liên quan mật thiết với vi phạm tốc độ, tránh vượt sai quy định, đi sai phần đường... và theo đó TNGT cũng thường xảy ra. Mặt khác, khi tiến hành kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, lực lượng CSGT luôn gặp phải không ít khó khăn. Nhiều đối tượng say rượu không chịu hợp tác, thường tìm cách chống đối, hoặc có thổi vào máy đo nồng độ rất nhẹ, không đủ khí để cho ra kết quả chính xác gây mất thời gian, hiệu quả xử lý không cao.
 

CSGT hướng dẫn thử nồng độ cồn.

 
Thiếu tá Đặng Thanh Phong, Đội trưởng Đội tuần tra, kiểm soát, Phòng CSGT Công an tỉnh, người thường xuyên đối mặt với các trường hợp vi phạm Luật nhận định: “Vi phạm nồng độ cồn khi lái xe là khó kiểm soát và xử lý nhất, song đó lại là nguyên nhân chính gây ra các vụ TNGT nghiêm trọng. Xử lý một trường hợp vi phạm nồng độ cồn có khi phải mất vài tiếng đồng hồ, nhiều khi đối tượng vẫn không chịu hợp tác”.

Để hạn chế và khắc phục tình trạng trên, lực lượng CSGT Bắc Ninh cùng các cơ quan chức năng đã tiến hành nhiều biện pháp xử phạt, tuyên truyền cho người dân về tác hại của việc uống rượu bia khi tham gia giao thông. Đặc biệt, vừa qua Ban An toàn giao thông tỉnh, Phòng cảnh sát giao thông phối hợp với Hiệp hội An toàn đường bộ toàn cầu (GRSP) đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ giám sát và hướng dẫn công tác cưỡng chế vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ cho cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông toàn tỉnh. Qua thảo luận và thí điểm bố trí các chốt kiểm soát theo mô hình mẫu của Dự án, buổi tập huấn đã củng cố kiến thức, trực tiếp đưa ra những hướng dẫn chuyên sâu về công tác cưỡng chế ngay tại hiện trường.

Nghị định 71/CP/2012 có hiệu lực từ ngày 10-11-2012 quy định: người điều khiển xe máy mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng tới 1 triệu đồng. Phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với người điều khiển xe máy trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở. Đối với người điều khiển ô tô, nếu hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,25-0,4 miligam/lít khí thở thì sẽ bị phạt tiền từ 8-10 triệu đồng; trường hợp trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở thì bị phạt từ 10-15 triệu đồng. Trường hợp người vi phạm không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, lực lượng chức năng có thể ngay lập tức lập biên bản xử phạt mức kịch khung là 3 triệu đồng đối với xe máy và 15 triệu đối với ô tô.


 
Ông Ray Shuey chuyên gia Hiệp hội ATGT đường bộ toàn cầu cho biết: “Mục tiêu chính của chương trình là hỗ trợ lực lượng cảnh sát giao thông Việt Nam trong việc tăng cường công tác cưỡng chế thực thi các quy định pháp luật về nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là tính công khai của việc kiểm tra, cưỡng chế nhằm tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng dân cư, từng bước thay đổi nhận thức, hành vi của người dân về việc sử dụng rượu bia khi lái xe”.

Tăng nặng hình thức xử phạt là một trong những yếu tố chính để răn đe đối tượng vi phạm. Tuy nhiên, để ngăn chặn hiệu quả tình trạng uống rượu, bia khi tham gia giao thông, ngoài giáo dục quản lý và xử lý nghiêm khắc đối với các trường hợp vi phạm thì ý thức người tham gia giao thông là yếu tố quan trọng hàng đầu. Chính vì thế, mỗi người tham gia giao thông cần nhận thức rõ được hậu quả của bia, rượu, kiên quyết không uống rượu khi điều khiển phương tiện giao thông để bảo vệ tính mạng cho chính mình và cho mọi người.

Bài và ảnh: Thương Huyền- Hoài Lan
Top