Ước mơ đó chắc chắn sẽ thành hiện thực bởi chúng ta đang sống trong thời đại mà công nghệ thông tin (CNTT) đã phổ biến đến từng ngõ xóm, từng nhà và từng người.
Vậy nhưng, khi đến Thư viện Bắc Ninh hiện nay, nhiều bạn đọc chỉ dám ước là có thể tìm dữ liệu tại Thư viện bằng máy tính cài đặt phần mềm tra cứu mới mà không phải gò lưng, căng mắt tìm sách bằng các hộp phích giấy truyền thống hoặc tra cứu bằng phần mềm đã quá lỗi thời như hiện nay. Có không ít bạn đọc trẻ tuổi chia sẻ là rất ngại tìm sách ở Thư viện tỉnh vì cứ phải tra cứu bằng phích giấy vừa mất công, tốn thời gian mà nhiều khi vẫn không tìm được tài liệu như mong muốn.

Ngày hội đọc sách tại Thư viện tỉnh.
Bạn Nguyễn Thị Huyền, phường Suối Hoa, thành phố Bắc Ninh khi đến Thư viện tỉnh tìm tài liệu đã phàn nàn: “Tôi thật sự ngạc nhiên vì thấy việc tra cứu sách ở Thư viện tỉnh hiện nay vẫn chẳng khác so với ngày ở trụ sở cũ. Chỉ hơn một chút là bây giờ có trang bị máy tính để phục vụ bạn đọc tìm kiếm dữ liệu nhưng máy tính thì cũ, phần mềm lại quá lạc hậu. Vậy nên, dù tôi đã làm đi làm lại theo đúng trình tự hướng dẫn mà mất cả buổi sáng tìm vã mồ hôi vẫn không ra tài liệu cần dùng dẫu biết chắc là thư viện đang có…!”.
Thực tế những năm gần đây, mặc dù điều kiện trang thiết bị, cơ sở vật chất còn khó khăn và thiếu thốn nhưng Thư viện Bắc Ninh vẫn thu hút số lượng độc giả tương đối cao, năm 2012 có hơn 3.000 bạn đọc thường xuyên và đứng trong top đầu của nhóm các thư viện cấp tỉnh. Điều đó cho thấy, nhu cầu đọc của người dân Bắc Ninh vẫn rất lớn. Chính vì vậy, việc phục vụ bạn đọc mọi lúc, mọi nơi là vấn đề cấp thiết được thư viện tỉnh đặt ra trong thời đại bùng nổ internet hiện nay. Nhưng để các hoạt động của thư viện nói chung và giúp bạn đọc tra cứu thông tin thư viện một cách nhanh chóng trên mạng internet toàn cầu thì nhất thiết phải xây dựng thư viện điện tử mà muốn như thế thì việc ứng dụng CNTT trong hoạt động thư viện không thể chậm trễ hơn.
Ông Ngô Văn Thực, Giám đốc Thư viện tỉnh khẳng định: Đối với hoạt động thư viện thì việc ứng dụng CNTT không phải chỉ để phục vụ cho thư viện mà còn tiếp sức cho văn hóa đọc, đáp ứng yêu cầu liên kết giữa các thư viện trong nước và quốc tế. Từ đó, các hoạt động thư viện mới phát triển, đáp ứng nhu cầu thực tế của bạn đọc. Nếu không được ứng dụng CNTT thì thư viện chẳng khác nào người làm bếp không dao, không thớt và như thế có thể nói rằng thư viện tồn tại một cách trì trệ”.
Qua tìm hiểu được biết, đến nay, mọi hoạt động của thư viện tỉnh từ quản lý dữ liệu, phục vụ bạn đọc cho đến xử lý kỹ thuật… vẫn được làm thủ công. Cả Thư viện đang có 17 máy tính, trong đó 1 máy chủ, 4 máy phục vụ bạn đọc tra cứu, số máy còn lại phục vụ công tác chuyên môn của lãnh đạo, cán bộ, nhân viên các phòng và hầu hết là máy tính cũ, phần mềm lạc hậu, khác hẳn về phương thức quản lý, xử lý kỹ thuật so với phần mềm chuyên biệt của thư viện điện tử mà các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Hồng đang sử dụng.
Ông Thực cho biết thêm: Để có thể phục vụ việc tra cứu của bạn đọc trên máy tính như hiện nay là một sự nỗ lực rất lớn của đội ngũ cán bộ, nhân viên ở Thư viện tỉnh. Chúng tôi đã cố gắng tranh thủ sự giúp đỡ về chuyên môn nghiệp vụ, cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc và kinh phí bổ sung của các cơ quan chức năng trong tỉnh, ngành dọc cấp trên để đáp ứng những yêu cầu tối thiểu cho hoạt động chuyên môn. Công tác xử lý kỹ thuật ở thư viện tỉnh đang phải đồng thời thực hiện theo hai phương pháp, vừa truyền thống để phù hợp với phần mềm quản lý đang sử dụng vừa theo chuẩn quốc tế để khi xây dựng được thư viện điện tử là có thể sử dụng ngay. Về công tác tham mưu đối với việc ứng dụng CNTT trong hoạt động thư viện thì chúng tôi đã sẵn sàng và chỉ còn chờ sự chỉ đạo của các ngành chức năng. Cái cần nhất đối với Thư viện tỉnh bây giờ là sở hữu phần mềm chuyên biệt.
Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc ứng dụng CNTT trong hoạt động thư viện, mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin ở Thư viện tỉnh nhà. Hy vọng, với sự chỉ đạo tích cực này và trách nhiệm của các sở, ngành được giao phối hợp thực hiện sẽ đẩy nhanh tiến độ để Thư viện Bắc Ninh thực sự hiện đại, xứng đáng là trung tâm thông tin quan trọng của tỉnh, là môi trường học tập suốt đời của nhân dân và đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu của bạn đọc trong và ngoài tỉnh.