khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ Tư, 26/12/2012 - 11:02

Từ nhận thức đến hành động

Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề dân số và gia tăng dân số đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, hàng năm, công tác Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) luôn được cả hệ thống chính trị quan tâm.

Song song với nhiệm vụ tuyên truyền, trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể thường xuyên quan tâm tới công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe sinh sản, vận động chị em trong độ tuổi sinh đẻ đến các cơ sở y tế để khám kiểm tra theo đúng định kỳ, kịp thời phát hiện và điều trị các bệnh về đường sinh sản.

Các cặp vợ chồng được tư vấn về các biện pháp tránh thai an toàn hiện đại, cũng như các vấn đề liên quan đến công tác DS-KHHGĐ. Chính vì vậy, đã giúp chị em nâng cao nhận thức, đồng thời tự mình biết chăm sóc sức khỏe cho bản thân trong đời sống sinh hoạt hàng ngày; đảm bảo sinh con ở đúng độ tuổi, khoảng cách và chỉ sinh đủ 2 con để nuôi dạy cho tốt.
 

Truyền thông nhóm góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong công tác DS-KHHGĐ.
 

Nhờ có sự quan tâm vào cuộc kịp thời của cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và ngành chức năng ở địa phương, nhất là sự năng động, nhiệt tình của đội ngũ cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số tại các thôn làng, đến nay công tác DS-KHHGĐ ở Bắc Ninh thực sự đi vào cuộc sống. Nhận thức của người dân đã có những bước chuyển biến tích cực, quy mô gia đình ít con được nhiều người chấp nhận; hơn 70% tổng số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng thường xuyên các biện pháp tránh thai hiện đại.

Theo số liệu của Chi cục Dân số-KHHGĐ, từ năm 2009-2011, tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên từ 11,6% giảm xuống 11,55%; giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên từ 15,9% xuống 14%; tỷ số giới khi sinh (bé trai/100 bé gái) từ 130 năm 2008 giảm còn 125 (năm 2011) và đến quý 3 năm nay chỉ còn 123. Kết quả này góp phần khống chế nhịp độ gia tăng dân số và cải thiện tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục ngay từ cơ sở, các chính sách về DS-KHHGĐ đã và đang tạo được sự đồng tình hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân ở địa phương, từng bước xây dựng cơ cấu dân số ổn định, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Bên cạnh đó, công tác DS-KHHGĐ cũng được đưa vào hương ước, quy ước của địa phương khi triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” và lồng ghép vào việc quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Từ đó, công tác tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình được chú trọng với sự tham gia đồng bộ và hiệu quả của các ban ngành, đoàn thể và cán bộ chuyên trách Dân số tại các xã và gần 1.800 cộng tác viên dân số bám sát địa bàn, tích cực tuyên truyền các kiến thức về chăm sóc sức khoẻ sinh sản.
Ngoài việc phát tờ rơi, đội ngũ cán bộ DS-KHHGĐ còn tổ chức truyền thông nhóm, trực tiếp tư vấn, hướng dẫn các biện pháp tránh thai hiện đại cho những người mới lập gia đình, sắp làm mẹ, cặp vợ chồng sinh con một bề... Đồng thời, vận động nam giới nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện KHHGĐ và chia sẻ với người vợ công việc chăm sóc, nuôi dạy con cái.
 

Dù trai hay gái, hãy dừng lại ở 2 con để có điều kiện chăm sóc tốt nhất.
 

Hoạt động cán bộ dân số các xã trong tỉnh khá đa dạng, thường xuyên phối hợp với Ban Tư pháp tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề tuyên truyền Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em… cùng với Hội Phụ nữ thành lập các mô hình không sinh con thứ ba, gia đình hạnh phúc, phụ nữ với pháp luật… thu hút đông đảo chị em tham gia.

Chị Nguyễn Thị Lan ở thị trấn Thứa (Lương Tài) tâm sự: Nhiều người thường quan niệm gia đình sinh nhiều con mới bề thế, có nhiều phúc, lộc... nhưng được tư vấn về lợi ích của KHHGĐ, vợ chồng tôi đã hiểu nếu sinh dày, sinh nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe và các con không có điều kiện học hành đầy đủ. Vì vậy, mặc dù mới sinh 1 cháu nhưng vợ chồng tôi quyết định dừng lại để nuôi dạy cho tốt.

Tuy nhiên tại một số vùng nông thôn, cán bộ làm công tác dân số kinh nghiệm công tác chưa nhiều, chưa được đào tạo qua các lớp tập huấn về truyền thông… dẫn đến việc tuyên truyền để các cặp vợ chồng tiếp cận với các gói dịch vụ hiện đại về KHHGĐ còn hạn chế. Bên cạnh đó, chế độ đối với cộng tác viên dân số còn thấp chưa đủ khuyến khích, động viên họ tận tâm với công việc. Vì vậy, mỗi địa phương cần quan tâm hơn đến công việc đặc thù của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước cũng như các cộng tác viên dân số, bởi đây là lực lượng nòng cốt, trực tiếp đưa chủ trương, chính sách về dân số của Nhà nước đến mỗi người dân.
P.V
Top