khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ sáu, 28/12/2012 - 08:39

Người lưu giữ một dòng tranh

Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Hoàng Cầm ngợi ca quê hương trù mật, phù sa “Bên kia sông Đuống”. Ở đó có một người cả cuộc đời dành trọn tâm huyết cho “nghề tranh”.

Dù ở cái tuổi bát thập, nhưng đôi mắt ông vẫn tinh anh, đôi bàn tay mềm mại, uyển chuyển phác họa những nét tài hoa làm sáng bừng “màu dân tộc”. Đó là nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, một trong những nghệ nhân cuối cùng có đóng góp lớn trong việc gìn giữ nét tinh hoa của dòng tranh dân gian Đông Hồ (Thuận Thành).

Ngôi nhà 5 gian mộc mạc của nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam nằm lặng lẽ ở góc làng Đông Khê (Song Hồ). Từ xưa tới nay, nơi đây đã trở thành điểm trưng bày những bản khắc cổ, những bức tranh lung linh sắc màu, như minh chứng cho sức sống mãnh liệt của một dòng tranh truyền thống. Tranh dân gian Đông Hồ với nhiều đề tài phong phú: Hứng dừa, Đàn lợn âm dương, Tiếng sáo mục đồng, Vinh hoa, Tứ bình,... nhưng với nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam ông đã sáng tạo thêm chủ đề theo từng thời kỳ như: Quan họ giao duyên, Lý Thái Tổ hạ chiếu dời đô, Tấm áo mẹ vá năm xưa,…
 

Chị Nguyễn Thị Oanh con dâu nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam đang miệt mài sáng tạo.
 
Mỗi bức tranh đều mang một giá trị riêng biệt và độc đáo với những đường nét mộc mạc uyển chuyển cuốn hút người chiêm ngưỡng. Bên ngôi nhà cổ kính, ông Sam hồi tưởng về ký ức tuổi thơ: “8 tuổi, tôi đã theo mẹ đi khắp các chợ quê bán tranh, rồi về học những thao tác đơn giản tô mầu và in ấn. Thời ấy, cuộc sống đạm bạc, nhà tranh vách đất, vì thế mà trong 3 ngày Tết, người dân ai cũng cố mua bằng được mấy bức tranh Đông Hồ về treo với mong ước về sự sinh sôi, nảy nở, phồn thịnh trong mùa xuân mới. Cả làng Đông Hồ ngày ấy luôn nhộn nhịp, rực rỡ màu giấy điệp.

Đông Hồ nổi tiếng khắp nơi từ Nam ra Bắc cũng bởi cái chất liệu đơn sơ mà đặc sắc từ các nguyên liệu: Giấy làm từ cây dó, màu đỏ từ gạch non, màu vàng từ hoa điệp vàng, màu đen từ lá tre đốt, màu trắng được nghiền từ vỏ sò, ốc… Thời gian trôi qua, chiến tranh loạn lạc, phân ly, làng Đông Hồ chịu chung số phận tiêu điều, xác xơ và nghề tranh cũng dần mất đi thời kỳ hoàng kim rực rỡ. Nhìn giặc Pháp càn, đốt phá nhà cửa và nhiều bản khắc cổ có giá trị mà thấy lòng xót xa tiếc nuối. Ông Sam đã chọn giải pháp đào hầm trú ẩn và cất giấu những bản khắc tranh những mong phục hồi nghề truyền thống của địa phương.
 

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam vừa hoàn thành tác phẩm “Hứng dừa”.
 
Năm 1963, Tổ làm tranh được thành lập gồm 50 người, do ông phụ trách đã thổi lên ngọn lửa tình yêu và khát vọng gìn giữ dòng tranh dân gian. Ông Sam chia sản phẩm đến từng thành viên, ngày đêm miệt mài sáng tạo. Làng tranh đã có tín hiệu phục hồi, nảy nở. Ông mừng vui cùng người dân trong làng với suy nghĩ: “Nghề của làng phát triển cũng là mình đang phát triển. Nhưng niềm vui ấy cũng chẳng là bao khi nền kinh tế thị trường phát triển, người ta ít chơi tranh hơn vì thế mà người dân Song Hồ chuyển từ làm tranh sang làm hàng mã. Làm hàng mã tuy giàu lên, nhưng cứ nghĩ họ dùng các bản khắc cổ đóng chuồng gà, hay đem đun mà thấy xót xa, tôi đã đến từng gia đình mua lại...”.

Hiện nay, gia đình ông sưu tầm và lưu giữ được gần 1.000 bản khắc cổ, rất nhiều khách nước ngoài sau khi xem đều muốn mua lại bản khắc đó, nhưng ông không bán. Ông Sam chia sẻ: “Cả đời làm tranh, tôi không mong giàu sang mà chỉ ước vọng đưa nét đẹp mộc mạc, dung dị nhưng rất tinh tế đến với mọi người, mọi nhà. Tranh đã giúp tôi trưởng thành và thỏa sức sáng tạo nghệ thuật”. Tâm sự của lão nghệ nhân khiến chúng tôi cảm phục và suy nghĩ: Nếu người làng Mái đều gìn giữ và phát quang “nghề Tổ” của mình thì trân trọng biết mấy! Sự tồn tại của làng nghề luôn hiển hiện trong tâm trí ông.

Tiếp nối nghề, hiện gia đình ông có hai con theo nghiệp là Nguyễn Hữu Quả và Nguyễn Thị Oanh.

Năm 2012, Bộ VH-TT&DL có Quyết định số 498 về việc đưa nghề làm tranh dân gian Đông Hồ vào danh sách di sản lập hồ sơ trình UNESCO để xét tặng danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể trong giai đoạn 2012-2016. Đây là tín hiệu vui, như luồng gió mới để du khách bốn phương biết đến và tìm về với lão nghệ nhân cả đời gìn giữ những giá trị văn hoá thuần chất hồn Việt.
Bài, ảnh: Đỗ Xuân-Văn Phong
Top