khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ sáu, 28/12/2012 - 09:18

Gìn giữ chữ Hán Nôm cổ

Giữa nhịp sống hiện đại, khi xã hội đua nhau học ngoại ngữ thì lại có không ít người Bắc Ninh vẫn ngày đêm miệt mài gò lưng cùng bút lông, nghiên mực để học chữ Hán Nôm của ông cha để lại.

Với mong muốn được hiểu và tiếp thu đầy đủ tinh hoa văn hóa truyền thống đúc kết trong suốt ngàn năm của dân tộc, khoảng mười năm gần đây, việc học chữ Hán Nôm có một sức hút đặc biệt đối với một bộ phận người dân trên vùng đất Bắc Ninh - Kinh Bắc. Thuận Thành là một trong số ít địa phương có phong trào dạy và học chữ Hán Nôm phát triển, tạo được sự lan tỏa rộng khắp với khoảng hơn 10 lớp dạy chữ Hán Nôm, học trò có đủ các độ tuổi từ 20 đến 85 tuổi và hoạt động ở nhiều ngành nghề khác nhau nhưng chủ yếu là cựu giáo chức và cán bộ hưu trí.

Hiện nay, các xã, thị trấn có lớp Hán Nôm là: Hoài Thượng, An Bình, Nghĩa Đạo, Trạm Lộ, Gia Đông, Thanh Khương, Trí Quả, Đình Tổ, thị trấn Hồ… Trong đó, hai xã Hoài Thượng và An Bình tập trung đông người học nhất và cũng là những địa phương có nhiều người giỏi chữ, sang cả các tỉnh, thành phố khác dạy chữ Hán Nôm, tiêu biểu như: thầy Nguyễn Thành Thác, Nguyễn Như Thập, Lê Danh Hán (xã An Bình), Lê Nho Bảo, Nguyễn Xuân Oánh (xã Hoài Thượng)…


Lớp học chữ Hán Nôm tại nhà thầy Nguyễn Thành Thác.

Là một trong số hiếm người biết làm thơ bằng chữ Hán Nôm mà còn có thể làm thơ chữ Hán theo thể Lục bát, thầy đồ Nguyễn Thành Thác, 76 tuổi, Chủ nhiệm CLB Hán Nôm xã An Bình kể: “Cụ thân sinh ra tôi là thầy đồ dạy chữ Nho nên tôi được học chữ Hán Nôm từ khi mới được 7 tuổi đến năm 16 tuổi thì vào bộ đội. Vừa thạo giỏi tiếng Việt lại biết tiếng Pháp nhưng suốt những năm tháng trong quân ngũ, rồi sau đó được phân công làm nhiệm vụ ở các ngành nghề khác cho đến lúc về nghỉ hưu tới bây giờ chưa khi nào tôi quên việc học chữ Hán Nôm.

Với vốn liếng của mình và khi còn sức khỏe, tôi mong sẽ truyền lại hết cho các thế hệ học trò. Mới chỉ vài năm mở lớp dạy học nhưng học trò tôi có người đã làm thầy đi dạy khắp nơi. Ngoài việc dạy chữ, tôi cùng các thành viên trong CLB Hán Nôm xã An Bình còn sưu tầm, dịch thuật vốn văn bản Hán Nôm của xã và giúp đỡ các địa phương khác; thường xuyên tổ chức giao lưu với các CLB trong và ngoài tỉnh để học hỏi, trao đổi, đàm đạo về chữ nghĩa và đạo làm người của ông cha ta ngày xưa với tinh thần người biết nhiều dạy người biết ít, người biết ít hướng dẫn người chưa biết.”

Thực tế, ông cha đã để cho chúng ta một kho tàng tư liệu đồ sộ bằng chữ Hán Nôm trên nhiều chất liệu dưới các dạng hình thức khác nhau như: khắc trên đá, đồng; viết, in trên giấy, gỗ… với vô vàn nội dung về mọi lĩnh vực: lịch sử, chính trị, văn hóa, tôn giáo, kinh tế, quân sự, khoa học, kỹ thuật... Bất cứ ở đâu chữ Hán Nôm cũng xuất hiện, trên hoành phi câu đối, chuông, bia đá, thần phả, sắc phong, ghi trong gia phả, sử sách, hương ước…

Thế nhưng mới chỉ cách đây có mấy mươi năm mà hầu hết thế hệ trẻ hiện nay khi nhìn vào các văn bản Hán Nôm rất ít người biết. Cũng xuất phát từ nhu cầu, đòi hỏi đặt ra trong cuộc sống nên số người tìm học chữ xưa - chữ Hán Nôm ngày càng đông. Có muôn vàn lý do khác nhau: Người thì để phục vụ chuyên môn nghề nghiệp; người học để biết, để học đạo làm người; học để thỏa sự yêu thích, say mê vốn văn hóa trong chữ Hán Nôm cổ… Lại có người học vì thấy khi đến các đình, chùa, đền, miếu nhìn các bức hoành phi, câu đối viết bằng chữ Hán Nôm mà như “nhìn bức vách”. Hay cũng không ít người đi học bởi day dứt mình là hậu duệ, con cháu của cụ Trạng, thầy đồ, ông Tú… mà một chữ Hán Nôm không biết.

Ông Hoa Đức Thắng, 60 tuổi ở Quảng Phú (Lương Tài) chia sẻ: Trước đây ông cha tôi đều giỏi chữ Nho, gia tài các cụ để lại cho con cháu là kho tài liệu, sử sách viết bằng chữ Hán Nôm. Vậy nhưng đến giờ, con cháu chẳng ai đọc được, thậm chí có cháu học Đại học ngoại ngữ chuyên ngành tiếng Trung Quốc mà lật giở những trang gia phả, tài liệu cũ ông cha cũng không đọc được hết. Chính vì vậy, tôi quyết định đi học chữ Hán Nôm cổ với mong muốn sẽ đọc và hiểu được những gì ông cha để lại và sẽ truyền dạy thế hệ cho con cháu tiếp nối, gìn giữ truyền thống gia đình, dòng họ.

Chữ Hán Nôm là một cây cầu quan trọng nối quá khứ với hiện tại để mở ra tương lai. Trong cuộc sống đương đại, chữ Hán Nôm vẫn tồn tại và chi phối rất nhiều lĩnh vực trong cuộc sống đương đại. Thế nên, vì mục đích nào đi chăng nữa thì những người dạy và học chữ Hán Nôm ở Thuận Thành cũng như ở khắp nơi trên đất nước đều có điểm chung là sự trân trọng, gìn giữ vốn văn hóa truyền thống đã được đúc kết ngàn đời của dân tộc Việt.

Bài, ảnh: Thuận Cẩm
Top