Tháng 1-1969, Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh được thành lập. Trải qua nhiều lần sát nhập và chia tách tỉnh nhưng tên Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh vẫn luôn được gìn giữ cho đến tận ngày 30-9-2011 mới nâng cấp và đổi tên thành Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh. NSƯT Xuân Mùi, Phó Giám đốc Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh kể: Khoảng giữa thế kỷ XX, sau bao nhiêu năm kháng chiến, văn hóa Quan họ dần chìm vào quên lãng. Trước nguy cơ thất truyền của Quan họ Bắc Ninh, Trưởng Ty văn hóa Hà Bắc lúc đó là ông Lê Hồng Dương đã rất lo lắng và tìm cách xây dựng Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh với ước mong bảo tồn gìn giữ và giới thiệu, quảng bá Quan họ.

Các thế hệ nghệ sỹ, diễn viên Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2012.
Qua một thời gian vất vả tìm kiếm và vận động nhân sự, Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh mới chính thức được thành lập với 1 Trưởng Đoàn là nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi và 7 diễn viên. Ba năm sau, đoàn đã có gần 30 nghệ sỹ, diễn viên được thu nạp từ khắp các làng Quan họ trong tỉnh.
5 năm đầu thành lập, Đoàn đã tổ chức đi khắp 49 làng Quan họ gốc để học hỏi, sưu tầm vốn Quan họ mà các nghệ nhân còn lưu giữ. Đây được xem là giai đoạn cực kỳ quan trọng của Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh trong việc bảo tồn và gìn giữ giá trị của văn hóa Quan họ. Vốn văn hóa Quan họ truyền thống đã được bảo tồn và phát huy với hàng trăm làn điệu Quan họ được sưu tầm, gìn giữ mà góp công lớn là các thế hệ nghệ sỹ, diễn viên của Đoàn.
Trên cơ sở vốn Quan họ sưu tầm được, Đoàn không chỉ thực hiện việc gìn giữ để giới thiệu, quảng bá mà còn sáng tạo, phát triển và thể nghiệm Quan họ trên sân khấu với nhiều hình thức nghệ thuật khác nhau. Sau khi thực hiện thành công một số chương trình nghệ thuật sân khấu Quan họ như: “Đón bạn ngày xuân”, “Quan họ ngày hội” với việc phác tả lại những nét cơ bản về lề lối, phong cách, hình thức ca hát cũng như văn hóa sinh hoạt Quan họ của người dân Bắc Ninh xưa.
Đến năm 1989, Đoàn tiếp tục tìm tòi tính đa dạng của Dân ca Quan họ qua việc thể nghiệm hai vở kịch hát: “Từ Thức gặp tiên” và “Đôi ngọc lưu ly”… Nhờ vậy mà nhiều nét đẹp trong giao tiếp, ứng xử, lối sinh hoạt, tình người Quan họ hay những tà áo mớ ba mớ bảy, nón thúng quai thao, ô lục soạn, khăn mỏ quạ, guốc mộc… mới hiện diện phong phú, đa dạng và đẹp đẽ như bây giờ.
Thực tiễn cuộc sống 44 năm qua là minh chứng sống động cho sự sáng tạo đúng đắn và hợp thời khi Đoàn Dân ca Quan họ tiến hành thực nghiệm đưa Quan họ lên sân khấu. Đó là bước đột phá bền vững để Quan họ còn mãi với muôn đời. Nhờ có Quan họ sân khấu mà Đoàn với vai trò chủ thể sáng tạo và thực hiện nên đã có biết bao đêm biểu diễn Quan họ làm nức lòng khán giả trong nước, được đi giao lưu, quảng bá văn hóa nghệ thuật ở hàng chục Quốc gia trên thế giới. Văn hóa Quan họ từ đó cũng được xem như một đặc sản thuần Việt đãi khách quốc tế khi họ đến Việt Nam.
Không những vậy, nhiều nghệ sỹ trong Đoàn còn được mời tham gia thu thanh các chương trình ca hát Quan họ trên Đài tiếng nói Việt Nam; thu hàng chục băng hình, ra mắt nhiều album CD, DVD để giới thiệu, quảng bá Dân ca Quan họ đến đông đảo công chúng khán thính giả. Tính từ năm 1974 đến nay, Đoàn đã biểu diễn khoảng 5.000 buổi phục vụ nhân dân, tạo điều kiện cho cộng đồng dân cư trong và ngoài nước hiểu biết thêm về Di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh.
Trải suốt 44 năm xây dựng, trưởng thành và tạo dựng thương hiệu, Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; nhiều giải thưởng, Bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, của UBND tỉnh và các tổ chức chính trị; 2 giải thưởng đặc biệt và 2 huy chương Bạc qua 4 kỳ hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc; hàng trăm huy chương Vàng, Bạc và Bằng khen, giấy khen được các cấp, các ngành tặng cho cán bộ, nghệ sỹ, diễn viên; có 1NSND và nhiều nghệ sỹ được phong tặng danh hiệu NSƯT.
Bằng tinh thần trách nhiệm, lòng nhiệt huyết, sự khổ luyện, niềm đam mê cùng với giọng ca và vẻ đẹp đằm thắm, duyên dáng, từng thế hệ cán bộ lãnh đạo, nghệ sỹ của Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã khắc sâu tên tuổi của mình trong lòng công chúng.
Uy tín, tên tuổi và tài năng của họ là một “tài sản” vô cùng quý giá mà mỗi thế hệ nghệ sỹ, diễn viên đã góp công sức tạo dựng thương hiệu cho Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh hôm nay. Những nghệ danh như: Thúy Cải, Thúy Hường, Quý Tráng, Lan Hương, Hải Xuân, Khánh Hạ, Xuân Mùi, Lệ Ngải, Lệ Thanh… sẽ chẳng bao giờ phai lạt, mãi là “thương hiệu vàng” của Đoàn Dân ca ngày ấy và Nhà hát Quan họ bây giờ... Đến các thế hệ nghệ sỹ 7X, 8X rồi 9X và sau nữa đều đã, đang và sẽ tiếp nối truyền thống, không ngừng nỗ lực phát huy tài năng, ghi danh tên tuổi để tỏa sáng và chiếm lĩnh tình yêu của khán giả; tiếp tục bồi góp, tạo dựng thương hiệu chung của Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh trong tương lai.
Trong xu thế mới, chắc chắn công chúng khán giả sẽ vẫn tiếp tục tin tưởng và dõi theo sự phát triển của Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh để đón đợi những chương trình biểu diễn Quan họ đặc sắc, mới lạ, hợp thời đại mà vẫn giữ gìn được bản sắc truyền thống, chất tinh túy bản thể của Dân ca Quan họ Bắc Ninh.