Thứ hai, 28/01/2013 - 16:16
Thuận Thành khôi phục nghề điêu khắc gỗ
(BNTV)Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 21: "Đẩy mạnh phát triển CN-TTCN; phục hồi, duy trì và phát triển các làng nghề, ngành nghề thủ công truyền thống, hình thành các làng nghề mới ... thời gian qua, sản xuất TTCN và làng nghề của huyện Thuận Thành đã có bước phát triển đáng kể về số lượng lẫn chất lượng. Một số ngành nghề truyền thống được khôi phục, sản xuất kinh doanh có hiệu quả và từng bước thích nghi với cơ chế thị trường.
Nghề điêu khắc ở xã Hoài Thượng huyện Thuận Thành đã xuất hiện từ rất lâu và đã có lúc làng nghề tưởng chừng như đã mai một, số hộ làm nghề không còn đáng là bao, chủ yếu là sản xuất nhỏ lẻ. Từ khi có chủ trương khôi phục, phát huy giá trị các làng nghề trên nhiều phương diện: kinh tế, văn hóa, lịch sử, xã hội...nghề điêu khắc gỗ ở hoài thượng cũng là một trong những làng nghề được khôi phục vài năm trở lại đây, ban đầu chỉ với một số cá nhân còn có tâm huyết với nghề đã tự gây dựng lại sự nghiệp do cha ông để lại, giờ đây nghề mộc ở xã Hoài Thượng huyện Thuận Thành được các hộ áp dụng khoa học kỹ thuât vào các khâu sản xuất, giúp cho năng suất lao động tăng cao.
Nhiều hộ gia đình có vốn đầu tư mở xưởng lớn với vốn đầu từ vài trăm triệu đồng và thuê nhân công như gia đình anh Hồng, anh Hà và anh Tĩnh.
Sản phẩm thủ công được làm ra chủ yếu là những đồ mỹ nghệ như: Sập, bàn ghế, tủ chè, trường cuốn, hoành phi, câu đối, đồ thờ… được làm từ những khối gỗ mít, gỗ lim, gỗ hương, gỗ gụ. Với các mẫu mã làm ra khá đẹp, những đường nét chạm khắc thủ công tinh xảo.
Một trong những đơn vị có nhiều đóng góp trong việc khôi phục lại nghề điêu khắc gỗ ở Hoài Thượng là trường trung câp nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống Thuận Thành, nhà trường đã thường xuyên cử cán bộ xuống cơ sở, năm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân làng nghề, từ đó đã đánh thức được niềm đam mê của nhân dân với nghề truyền thống của địa phương, trong quá trình đào tạo đơn vị luôn phối hợp chặt chẽ với cơ sở tuyển sinh mở lớp, thành lập ban chỉ đạo lớp học chuẩn bị các điều kiện đào tạo và làm tốt công tác tổ chức quản lý lớp học, 100% học viên tham gia lớp học điêu khắc gỗ có chất lượng đào tạo loại khá giỏi.
Hiệu quả hoạt động từ các làng nghề truyền thống đang là một trong những nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, tạo việc làm ổn định cho nông dân. Vì vậy việc khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống đang là hướng đi tích cực được cấp ủy chính quyền các địa phương xác định là một trong những yếu tố góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của địa phương.
Đức Thanh, Đài Phát thanh Thuận Thành