Thứ ba, 29/01/2013 - 09:07
Văn hóa... chợ búa
Ngày nghỉ cuối tuần, tôi cùng chồng đi chợ mua sắm một số vật dụng gia đình, vừa vào cổng chợ, tôi giật mình bởi giọng nói đầy vẻ cáu gắt của một cô gái: “Đưa tiền thừa cho tôi, nhanh lên, tôi đang vội”. Ngồi trên chiếc xe máy sang trọng, cô gái vừa nói vừa ném tờ 200.000 đồng vào mẹt rau. Đôi tay gầy yếu, nhăn nheo nổi gân xanh của ông già bán rau hơn 60 tuổi run run hơn khi lấy tiền lẻ trả lại khách.
Thời buổi bây giờ, nhiều quý cô, quý bà đi chợ tự xem mình là “thượng đế” nên giọng điệu rất trịch thượng, có khi còn tỏ thái độ gắt gỏng, nói những câu trống không với người bán hàng là chuyện thường xuyên xảy ra. Các quý cô, quý bà nghĩ đơn giản là “Có tiền mua tiên cũng được” bởi chỉ cần ra tới chợ, vào siêu thị hoặc những chợ nhỏ là mua được khối thứ.
Có người phụ nữ đi chợ chở sau đứa bé chừng 7 tuổi đỗ xịch xe trước sọt cam. Chị bán hàng đon đả mời chào, người phụ nữ cúi xuống sọt cam bấm tay vào quả cam và phản ứng hồn nhiên: “Cam rắn như đá, trâu bò chẳng thèm ăn, đi chỗ khác vậy!” Đứa bé ngơ ngác nghe mẹ nó phát ra ngôn ngữ “chợ búa”. Rồi có những quý cô, quý bà ăn mặc chải chuốt, xe máy đời mới, quần áo đẹp, túi da xịn… cầm quả bí lăn qua, lăn lại kỳ kèo từng đồng, đến nỗi chị bán hàng cũng… toát mồ hôi! Mặc cả mãi không được, thế là “thượng đế” đùng đùng bỏ đi.
Cá biệt có những quý cô, quý bà khó tính mua hàng săm soi từng tí một, ngày rằm, ngày lễ các quý cô, quý bà xới tung gian hàng, rồi chọn những quả thơm ngon nhất bỏ vào túi cho mình, chẳng cần biết đến những khách hàng mua sau. Lại có những người bán hàng khiến người mua “hú vía” từ thái độ đành hanh, lời nói quá quắt, thô lỗ mắng “thượng đế” bằng cả chuỗi ngôn từ thiếu văn hóa, nghe nhức cả tai…
Chợ là nơi để trao đổi buôn bán hàng hóa giữa người mua và người bán nhưng cũng là nơi giao lưu văn hóa. Mọi người nghe nói nhiều đến văn hoá làng, văn hoá học đường, văn hóa giao thông, văn hóa giao tiếp… mà ít quan tâm đến văn hoá chợ búa.
Nguyễn Thị Hoàn