khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ ba, 19/02/2013 - 09:45

Ứng xử văn minh khi tham gia lễ hội

Mùa lễ hội 2013 đang đến. Du xuân trảy hội là nét đẹp văn hóa thẩm sâu trong tâm thức người dân Việt. Nhưng du xuân thế nào để bảo đảm an toàn, lành mạnh, văn minh lại chưa được người dân quan tâm và coi trọng. Ý thức cùng với cách ứng xử hiểu biết, văn minh của người dân đối với những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, dân tộc chính là yếu tố quan trọng nhất để xây dựng không gian lễ hội lành mạnh…


Hàng vạn lượt du khách trảy hội Lim ngày chính hội 13 tháng Giêng hàng năm
Hàng vạn lượt du khách trảy hội Lim ngày chính hội 13 tháng Giêng hàng năm.
 
Cũng như mọi năm, câu chuyện về công tác chỉ đạo, quản lý và tổ chức lễ hội cũng là đề tài “nóng” trên nhiều phương tiện truyền thông đại chúng trong những ngày vừa qua. Đối với Bắc Ninh, chưa khi nào các cấp, các ngành của tỉnh lại dành nhiều sự quan tâm và cùng phối hợp vào cuộc tích cực trong công tác chỉ đạo, quản lý và tổ chức lễ hội như năm nay. Gần đây, từ tỉnh cho đến cấp cơ sở đã diễn ra nhiều cuộc họp bàn, rà soát, thống nhất, triển khai, thanh tra, kiểm tra về công tác chỉ đạo, quản lý và tổ chức lễ hội năm 2013. Trong đó, ghi nhận đầu tiên là Chỉ thị số 10 của UBND tỉnh về việc tăng cường chỉ đạo, quản lý và tổ chức lễ hội với sự phân công chi tiết các nhiệm vụ cụ thể đến từng ngành, từng cơ quan đơn vị.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và 8/8 huyện, thị xã, thành phố đều ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác quản lý, tổ chức lễ hội, đồng thời xây dựng kế hoạch kiểm tra lễ hội năm 2013: Chú trọng đến việc thực hiện nếp sống văn minh, quy hoạch không gian lễ hội; tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa truyền thống; các phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn về người, tài sản; vệ sinh môi trường; các hoạt động mê tín dị đoan… Tăng cường kiểm tra tại những di tích tiêu biểu, lễ hội mang tính chất vùng miền và thu hút lượng khách tham quan lớn như: Hội Lim, đền thờ Bà Chúa Kho, Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương, hội chùa Dâu, hội chùa Bút Tháp… Điều đó cho thấy sự chuyển biến rõ nét, tích cực trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị.
 
Nhiều nghi thức truyền thống và phong tục đẹp được tái hiện ở lễ hội Kinh Dương Vương
Nhiều nghi thức truyền thống và phong tục đẹp được tái hiện ở lễ hội Kinh Dương Vương.
 

Một sự đổi mới mang tính đột phá, thể hiện rõ tính chuyên nghiệp trong công tác chỉ đạo lễ hội năm nay là lần đầu tiên UBND tỉnh Bắc Ninh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì tổ chức họp báo về công tác chỉ đạo, quản lý và tổ chức lễ hội. Đây là cơ hội tốt để các cơ quan truyền thông có điều kiện trao đổi, hiểu rõ hơn về những nét đẹp truyền thống đặc trưng ở lễ hội miền Quan họ. Từ đó, có sự chia sẻ, chung tay phối hợp với nhân dân các địa phương cũng như cơ quan quản lý nhà nước để mùa lễ hội 2013 diễn ra an toàn, lành mạnh, vừa góp phần khơi dậy các giá trị văn hóa truyền thống vừa phù hợp với xu thế phát triển của xã hội hiện đại.

Sau mỗi mùa lễ hội, bao giờ cũng có những cuộc tổng kết đánh giá và nhìn lại. Sự nỗ lực cố gắng của các cơ quan quản lý nhà nước tạo những chuyển biến tích cực trong không gian lễ hội năm sau tốt hơn năm trước. Nhưng vẫn không giải quyết triệt để những hạn chế như: Tình trạng ô nhiễm môi trường; nạn “chặt chém” du khách; các trò chơi trá hình, cờ bạc ăn tiền; hiện tượng hát Quan họ ngửa nón nhận tiền…

Trong tổng số 547 lễ hội lớn nhỏ trên địa bàn tỉnh thì hầu hết là lễ hội dân gian truyền thống do nhân dân các địa phương là chủ thể tổ chức và các cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò quản lý, định hướng. Hơn nữa, lễ hội truyền thống xưa kia thường diễn ra trong thời gian dài ngày nhưng bây giờ đều được tổ chức gọn lại từ 1-2 ngày. Số lượng du khách trảy hội ngày một tăng cao. Do đó, ngoài trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước cần quyết liệt trong xử lý những vi phạm ở lễ hội thì cũng cần đổi mới cách nhìn nhận trong công tác tuyên truyền. Và một yếu tố giữ vai trò quyết định cho sự thành công của lễ hội chính là ý thức và cách ứng xử của người dân, du khách khi tham gia các hoạt tín ngưỡng tâm linh và vui chơi, giải trí ở lễ hội như: Thắp hương, hành lễ, đốt vàng mã đúng quy định, giữ gìn vệ sinh công cộng, không tham gia các trò chơi ăn tiền… Khi nghe hát Quan họ mà du khách muốn bày tỏ sự cảm phục tài năng, giọng hát của liền anh, liền chị cũng nên chọn cách thể hiện cho phù hợp thay bằng hành động cho tiền...

Những ứng xử văn minh, lịch sự của mỗi người dân khi tham gia lễ hội sẽ góp phần xây dựng không gian lễ hội - nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng lành mạnh, vui tươi thật sự.
Bài, ảnh: Thuận Cẩm
Top