Năm nào cũng vậy, ngay trước Tết Nguyên đán, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo về công tác tổ chức lễ hội, trong đó nhấn mạnh việc tăng cường kiểm tra, giám sát, tuyên truyền nhằm đảm bảo VSATTP. Thực hiện chỉ đạo này, ban tổ chức lễ hội ở tất cả địa phương đều tiến hành đôn đốc, nhắc nhở các hàng quán kinh doanh dịch vụ ăn uống thực hiện nghiêm túc các quy định về VSATTP.
Theo ghi nhận, từ đầu năm đến nay, tại các lễ hội chưa xảy ra bất kỳ vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng nào, không có hiện tượng chèo kéo khách, công tác VSATTP cơ bản được đảm bảo. Tuy nhiên, vẫn còn không ít quán ăn tự phát, quán hàng rong... chế biến và bảo quản thực phẩm không đảm bảo, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất VSATTP.

Hàng quán bên đường ở khu vực Đền Bà Chúa Kho (thành phố Bắc Ninh).
Đền Bà Chúa Kho là một trong những địa điểm thu hút đông du khách nhất vào những ngày đầu xuân. Đa phần trong số đó đều là khách thập phương từ khắp các tỉnh thành đổ về. Vì thế, các nhà hàng, dịch vụ ăn uống cũng mọc lên san sát. Do lượng khách quá đông nên nhiều nhà hàng ở đây đã bày các loại đồ ăn trên kệ, bàn mà không che đậy bằng tủ kính theo quy định. Thậm chí nhiều hàng bán rong còn lấn chiếm vỉa hè, bày bán đồ ăn ngay sát lòng đường bất chấp khói, bụi từ các phương tiện giao thông và dòng người đang tấp nập ra vào khu vực đền.
Vào giờ cao điểm, nhu cầu ăn uống của khách tăng cao khiến các nhà hàng phục vụ không xuể. Bát đũa bẩn chất thành từng chồng cao ngất được rửa qua loa, người bán hàng không đeo găng tay thản nhiên nhận tiền rồi lại bốc thức ăn cho khách, giấy ăn và các loại rác thải được vứt thoải mái xuống đất...
Chị Lê Thu Nga (Quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: “Dù biết là không đảm bảo an toàn nhưng vì không có nhiều thời gian nên chúng tôi vẫn phải ăn cho qua bữa. Ở những nơi đông đúc như thế này tìm được chỗ ăn uống sạch sẽ rất khó. Nếu chẳng may có bị đau bụng hay ngộ độc thì cũng đành chấp nhận”.
Tại lễ hội chùa Phật Tích, do có cảnh quan thiên nhiên đẹp và giao thông đi lại thuận lợi nên từ nhiều năm nay lễ hội này luôn thu hút một lượng đông đảo du khách đến thăm quan, thưởng ngoạn. Để đáp ứng nhu cầu ăn uống của du khách, rất nhiều quán hàng tạm đã tranh thủ mọc lên ngay bên đường, bày bán đủ thứ từ chè, cháo, bún, phở, trứng vịt lộn đến xúc xích, nem chua rán, cá nướng... Đa phần các hàng quán này đều chỉ được dựng bằng lều bạt tạm bợ, điều kiện bảo quản, chế biến thực phẩm hạn chế. Kèm theo đó, thời tiết trong ngày diễn ra lễ hội có lúc lác đác mưa phùn, ẩm ướt khiến nguy cơ mất ATVSTP càng tăng cao.
Khi được thắc mắc về vấn đề vệ sinh, một chủ quán cho biết: “Mỗi năm lễ hội chỉ diễn ra trong vài ngày nên chúng tôi chẳng đầu tư nhiều làm gì. Chủ yếu là phục vụ người đi hội, kiếm thêm chút tiền đầu năm. Ăn uống như thế này vẫn còn sạch chán, không ngộ độc đâu mà lo”. Dường như cũng có khá nhiều du khách cùng chung suy nghĩ với bà chủ quán khi vô tư ngồi ăn uống ngon lành bất chấp ngay bên cạnh là một đống rác thải và dòng người đông đúc đang qua lại nườm nượp.
Từ thực trạng trên, có thể thấy công tác VSATTP đang thực sự trở thành vấn đề bức thiết ở các lễ hội. Trong thời gian tới, sẽ còn rất nhiều lễ hội diễn ra, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cùng chính quyền địa phương cần sớm có những biện pháp để chấn chỉnh kịp thời các vi phạm, bảo vệ sức khỏe người dân, góp phần tạo ra thành công trọn vẹn cho lễ hội.