khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ sáu, 22/02/2013 - 11:18

Quan họ không xin tiền

Lễ hội vùng Lim- Lễ hội đầu Xuân lớn nhất xứ Kinh Bắc đã chính thức khai hội. Trong không gian văn hoá đồi Lim, lời ca Quan họ lại dạt dào, tha thiết. Bên cạnh những lán trại Quan họ do các nghệ nhân biểu diễn theo đúng lối cổ, mộc mạc, giản dị còn có sân khấu lớn để các nghệ sĩ biểu diễn Quan họ có nhạc đệm phù hợp với tuổi trẻ. Sự đan xen giữa truyền thống và hiện đại để làm nên thành công của lễ hội đòi hỏi sự đồng điệu của cả Ban tổ chức lẫn du khách.


Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Túy và các quan khách thưởng thức một canh Quan họ lề lối trên đồi Lim

Từ cổ xưa cho đến ngày nay, Dân ca Quan họ là kết tinh máu thịt cha ông ta để làm nên những giá trị văn hoá đặc sắc nhất, tinh tuý nhất. Tất thảy mọi người đều hiểu, đều biết và đều trân quý, muốn đóng góp một phần công sức của mình vào việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của Quan họ để mãi trường tồn và lan toả.
Cứ vào mùa lễ hội, dư luận lại “dậy sóng” chuyện hát Quan họ sử dụng loa máy, ngửa nón xin tiền… Những hình ảnh “phản cảm”, không đẹp ở lễ hội đáng bị phê phán là đương nhiên. Một bộ phận người yêu Quan họ đến mức “cực đoan” cứ gán ghép cho hình ảnh các liền anh, liền chị hát trên thuyền rồng  bên ao làng, trước cửa chùa , hát bên mái đình ngửa nón quai thao nhận tiền  thưởng của người nghe, người xem là hành động xin tiền, là hành động xấu. Phải hiểu thấu đáo vấn đề, khán giả mến mộ người hát Quan họ, khán giả thưởng tiền, động viên người hát, để rồi người nghệ sĩ càng thêm phấn khích, người thưởng thức được nghe thêm tác phẩm hay.

 Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Túy trò chuyện với các nghệ nhân Quan họ biểu diễn phục vụ hội Lim.

“Người Bắc Ninh vốn trọng chữ tình. Người Bắc Ninh vốn trọng giao duyên”. Tình nghĩa “chạ anh, chạ em” của người Quan họ nghìn đời nay vẫn giữ nguyên giá trị. Mùa Xuân trảy hội, tạm gác việc nhà, việc đồng áng, sản xuất, người Quan họ đón bạn đến hát hội vui xuân cho tàn canh, mãn vó. Người Quan họ hát để diễn tả tình yêu cuộc sống, tình yêu lứa đôi, đối đáp với nhau vì nghĩa, nể nhau vì tài chứ có phải vì cuộc sống khó khăn đâu mà phải đi hát mưu sinh, ngửa nón xin tiền.

“Người Quan họ không xin tiền ai cả. Tôi hát, người nghe thấy hay tán thưởng. Miếng trầu cánh phượng đẹp, anh chị muốn ăn, muốn mang về làm kỷ niệm để cảm tạ công sức người têm trầu, để bù đắp phần nào vật chất làm ra những khẩu trầu đẹp cho những người tiếp theo muốn nhận thì việc trả tiền cũng thật nhân văn”. Bí thư Tỉnh uỷ Trần Văn Tuý trong buổi tiếp xúc với các nghệ nhân Quan họ khi đi kiểm tra công tác chuẩn bị lễ hội vùng Lim Xuân Quý Tỵ chiều ngày 12 tháng Giêng đã khẳng định như vậy và nhấn mạnh: Cổ nhân có câu: “Của cho không bằng cách cho”. Người Quan họ không bán lời ca, tiếng hát nhưng luôn trân trọng tình cảm, thậm chí cả vật chất của những ai biết thưởng thức và yêu quý.

“Hãy là người nghe có ý thức”- Đó là một khẩu hiệu kêu gọi mọi người hãy trả tiền khi tải nhạc từ mạng Internet về máy tính hay điện thoại. Và trên thực tế ở Việt Nam hiện nay, việc nghe nhạc phải trả tiền là điều hết sức bình thường.

Bình thường “người nghe có ý thức” trả tiền theo quy định còn “người nghe có văn hoá” thì không nói đến việc trả tiền mà là thưởng tiền. Người hát hay, đàn giỏi, diễn xuất tốt khiến người xem không chỉ vỗ tay mà còn thưởng tiền mới thực sự đáng quý, đáng trân trọng. Người nghệ sĩ chỉ có thể thăng hoa, cháy hết mình khi khán giả giang rộng vòng tay, ngập tràn cảm xúc chào đón họ, cổ vũ họ.
Đào Đình Khoa
Top