khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ hai, 25/02/2013 - 15:32

Độc đáo nghi thức phục ruộc ở lễ hội Kinh Dương Vương

Ngày 18 tháng Giêng âm lịch hàng năm, dân làng Á Lữ, xã Đại Đồng Thành (huyện Thuận Thành) lại nô nức khai hội Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương - Lạc Long Quân - Âu Cơ. Lễ hội tái hiện nhiều phong tục và nghi thức truyền thống đặc sắc mà lễ phục ruộc (còn gọi rước nước) là một lễ thức độc đáo quan trọng, không thể bỏ qua. Tương truyền, lễ phục ruộc ở lễ hội Kinh Dương Vương ngoài mục đích rước nước về tế lễ, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc về tình phụ tử: “gọi cha về cứu dân làng”.

Lễ phục ruộc xuất phát từ truyền thuyết về Thủy tổ Kinh Dương Vương và cha Lạc Long Quân, mẹ Âu Cơ. Chuyện kể rằng, con trai Kinh Dương Vương là Sùng Lãm nối ngôi vua xưng là Lạc Long Quân. Sùng Lãm tuấn tú khôi ngô lạ thường, có sức khỏe vô địch, có nhiều phép lạ, cầu gì được nấy. Thuở hồng hoang ấy, vùng đất Lạc Việt có nhiều loại yêu quái làm hại dân lành. Lạc Long Quân giúp dân diệt trừ các loài thủy quái hung dữ như: ngư tinh dưới biển, hồ tinh nơi đầm lầy, mộc tinh chốn núi rừng sâu thẳm…; rồi chữa bệnh giúp người, dạy dân biết cách làm nhà, trồng trọt, chăn nuôi, ăn ở, may mặc, dạy đạo làm người… công đức ấy của Lạc Long Quân được nhân dân ghi tạc. Cũng từ đó, đất nước mới có tôn ti trật tự, có luân thường đạo lý, cha con, chồng vợ quy củ. Sau mỗi lần cứu giúp người dân, Lạc Long Quân lại lui về thủy phủ. Cứ thế, mỗi khi trần gian có việc, nhân dân lại cùng nhau cất tiếng gọi cha Lạc Long Quân: “ Bố ơi, bố ở nơi nào hãy về cứu chúng con” và ngay lập tức cha Lạc Long Quân lại xuất hiện. Chính sự cảm ứng oai linh đó được dân gian truyền tụng là biểu hiện của tình phụ tử, rằng cha Lạc Long Quân luôn ở bên che chở cho con dân đất Việt.
 

Đoàn rước đi từ đền thờ ra khu lăng mộ Kinh Dương Vương nằm bên bờ sông Đuống.

 
Ông Biện Xuân Phẩm, thủ nhang ở đền thờ Kinh Dương Vương (thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, Thuận Thành) kể: Xuân Thu nhị kỳ, mỗi năm hai lần vào ngày 14-8 âm lịch và trước ngày chính hội 18 tháng Giêng, người dân làng Á Lữ lại tổ chức đi thuyền ra giữa sông (trước kia là sông Dâu, nay là sông Đuống) để tế lễ xin nước, rước vong linh cha về thờ phụng và cầu mong cha cứu giúp dân làng tai qua nạn khỏi, mưa thuận gió hòa cho mùa màng tươi tốt. Mỗi năm, dân làng cử một ông trùm là người từ 60 tuổi trở lên, có đủ vợ chồng, con cháu vẹn toàn được dân tin tưởng giao trọng trách làm lễ khấn xin nước. Trong bài khấn xin nước của ông trùm đọc có gọi ba tiếng: ô hô, ô hô, ô hô (nghĩa là bố ơi, bố ơi, bố ở nơi nào về cứu chúng con).

 Thời xưa, lễ hội kéo dài hơn 10 ngày nên lễ rước nước được tổ chức từ ngày 14 tháng Giêng. Nhưng ngày nay, thực hiện nếp sống mới, lễ hội tổ chức gọn trong ba ngày từ 16-18 tháng Giêng âm lịch nên lễ rước nước thường được diễn ra vào chiều ngày 16 tháng Giêng. Từ xưa đến nay, lễ rước nước được cử hành tôn nghiêm theo nghi thức truyền thống với đủ các thành phần: hai hàng cờ ngũ sắc, kiệu long đình, kèn, chiêng, trống, nhạc, lọng, tàn… và các lão ông, lão bà cùng toàn thể dân làng đi sau cầu khẩn. Sau khi dâng chóe nước vào trong đền, các bậc cao niên trong làng tập trung để tế thần, làm lễ nhập tịch. Đến chiều ngày giã hội 18 tháng Giêng, nhân dân trong làng lại tổ chức lễ hồi nước trả về sông với ý nghĩa, sau khi cha về chứng kiến lòng thành của dân thì lại rước cha về lại thủy phủ. Một phần nước được đem tưới cho cây cối xung quanh đền, cầu cho dân chúng trong làng mạnh khỏe, làm ăn phát đạt và đất nước phồn vinh, thịnh vượng.

  Rước nước là một lễ thức có ở rất nhiều lễ hội dân gian truyền thống trong cả nước. Đó là nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tâm linh sống động, đặc sắc của cộng đồng cư dân nông nghiệp được trao truyền từ đời này sang đời khác với ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa, cầu nước, cầu mùa màng tươi tốt… Nhưng lễ phục ruộc ở hội Kinh Dương Vương làng Á Lữ (Đại Đồng Thành, Thuận Thành) ngoài mục đích trên còn mang ý nghĩa độc đáo, đặc sắc hơn bởi sự gợi nhớ những truyền thuyết dân gian về Thủy tổ Kinh Dương Vương-cội nguồn dân tộc, về tình phụ tử, mẫu tử giữa mẹ Âu Cơ, cha Lạc Long Quân với con dân muôn đời.

Nghi lễ phục ruộc và lễ hội truyền thống Kinh Dương Vương - Lạc Long Quân - Âu Cơ hàng năm ở làng Á Lữ (xã Đại Đồng Thành) là sự truyền nối tâm thức lịch sử, bao hàm cả mối quan hệ mật thiết, hữu cơ của tình cha con, đồng thời kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai của cả cộng đồng dân tộc cùng hướng về cội nguồn đất nước - Thủy tổ Kinh Dương Vương với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.
Bài, ảnh: Thuận Cẩm
Top