Thành lập và đi vào hoạt động được gần 3 năm, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất, nhất là từ cuối năm 2012, khi mà nguyên liệu đầu vào như điện, dầu và nhân công… liên tiếp tăng giá, nhưng giá gạch lại giảm mà vẫn khó tiêu thụ. Nguyên nhân chính do chính sách tiết giảm đầu tư công, nhiều dự án tạm dừng hoặc giãn tiến độ… dẫn đến nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng giảm mạnh.
Trong bối cảnh đó, Nhà máy đã bám sát thị trường, làm tốt công tác dự báo, từ đó đưa ra chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp; tích cực tìm kiếm bạn hàng; phát động cán bộ, công nhân viên tăng cường phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, giảm chi phí sản xuất bằng cách triệt để tiết kiệm các chi phí đầu vào nhất là đối với điện. Biện pháp khác đặc biệt quan trọng là chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động… góp phần tăng năng suất lao động, bảo đảm giữ vững và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Xưởng sản xuất gạch của nhà máy.
Trong năm 2012 hầu hết các doanh nghiệp sản xuất gạch đều lâm vào cảnh “điêu đứng”, sản xuất cầm chừng thì Nhà máy gạch Nam Sơn vẫn sản xuất và tiêu thụ ổn định với sản lượng 25 triệu viên gạch đặc (trung bình hơn 2 triệu viên/tháng), doanh thu hơn 24 tỷ đồng và tạo việc làm ổn định cho 160 cán bộ công nhân viên.
Ông Vũ Minh Long, Giám đốc Nhà máy phấn khởi cho biết: “Để có được kết quả đó phải kể đến sự nỗ lực của Ban giám đốc Nhà máy trong việc áp dụng giải pháp tiết kiệm chi phí đầu vào để giảm giá thành sản phẩm như: Cơ cấu lại tổ chức; điều chỉnh thời gian đun đốt từ 5 giờ đến 10 giờ thay cho 7 giờ đến 11 giờ nhằm tránh giờ cao điểm; thay thế động cơ tiêu hao điện lớn bằng những động cơ tiêu hao điện ít hơn, kể cả hệ thống điện chiếu sáng cũng được thay thế. Cách làm này giúp nhà máy tiết kiệm được 30-40 triệu đồng tiền điện/tháng. Ngoài ra, Nhà máy còn chuyển sang sử dụng than qua lửa giá 370.000 đồng/tấn của Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại (Hải Dương) thay cho việc dùng than cám trước kia với giá 1,9 triệu đồng/tấn…
Một yếu tố nữa không thể thiếu được đó là sự ủng hộ nhiệt tình của đội ngũ cán bộ, công nhân lao động. Để có được điều đó, Nhà máy đặc biệt chú trọng đến việc chăm lo đời sống cho người lao động. Ngoài tiền lương, Nhà máy còn có các chế độ tiền thưởng khác như thưởng năng suất, tiết kiệm vật tư, làm việc chuyên cần để khuyến khích người lao động; thưởng tiền cho các cháu học sinh học giỏi, tặng quà Tết thiếu nhi, Trung thu… cho con em cán bộ, lao động. Nhờ đó, họ đã gắn bó, coi Nhà máy như ngôi nhà chung để cùng làm việc, cống hiến và phát triển”.
Năm 2013, Nhà máy gạch Nam Sơn đề ra kế hoạch tiếp tục sản xuất và tiêu thụ 25-30 triệu viên gạch. Để đạt kế hoạch này, ngay từ đầu năm Nhà máy đã đẩy nhanh tốc độ sản xuất kinh doanh. Trong khuôn viên Nhà máy, hàng loạt xe chuyên chở gạch đang ra vào tấp nập. Anh Bùi Văn Phong, công nhân tổ tạo hình của Nhà máy chia sẻ: “Thời điểm đầu năm, lễ hội diễn ra nhiều cộng với công việc đồng áng đang vào vụ… nhưng để bảo đảm tiến độ sản xuất cho Nhà máy nên anh em chúng tôi vẫn đi làm đầy đủ, quyết tâm không bỏ giờ sản xuất nào”. Dù mới bước vào những ngày đầu xuân năm mới, nhưng những cán bộ, công nhân ở đây đã hăng say làm việc, các guồng máy sản xuất đã tiếp tục tăng tốc, để mục tiêu sản xuất và tiêu thụ của Nhà Máy gạch Nam Sơn trong năm 2013 phát triển vững vàng hơn nữa.