khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ năm, 28/02/2013 - 11:05

Thị trấn Chờ đưa ngành thương mại dịch vụ thành mũi nhọn

Với vị trí thuận lợi, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của huyện Yên Phong, thị trấn Chờ có nhiều điều kiện thuận lợi để đưa ngành dịch vụ thương mại phát triển.

Đến thị trấn Chờ những ngày này cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là hình ảnh một thị trấn sầm uất. Mỗi khu phố được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Các cửa hàng kinh doanh lớn nhỏ với đủ loại sản phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân...

Ông Nghiêm Đình Thắng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: “Xác định tầm quan trọng của thương mại-dịch vụ (TM - DV) trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, những năm qua, thị trấn Chờ luôn tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách khuyến khích nhân dân tăng cường giao lưu, trao đổi hàng hóa, phát triển đa dạng các ngành nghề dịch vụ, …”. Hiện nay, thị trấn có gần 1.240 hộ kinh doanh TM-DV (chiếm gần 50% tổng số hộ của thị trấn). Trong đó, tại Chợ Chờ (trung tâm thị trấn), chợ thôn Yên Xá và chợ thôn Phú Mẫn có khoảng gần 600 hộ kinh doanh lớn nhỏ, với nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tại chỗ của người dân như hàng tạp hóa, quần áo, rau quả…


Chợ Chờ có 450 ki ốt bày bán các mặt hàng phục vụ nhu cầu dân sinh cả trong và ngoài địa phương.

 
Riêng  chợ Chờ có hơn 450 hộ đăng ký kinh doanh, chợ họp cả ngày với nhiều loại sản phẩm đa dạng, trong đó có nhiều nông sản thực phẩm của địa phương không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong thị trấn mà cả những địa phương lân cận như: Đông Thọ, Tam Giang, Trung Nghĩa, Đông Tiến… Chợ cũng đã được đầu tư tu sửa, nâng cấp lớn hơn, khang trang hơn với tổng diện tích gần 500m2 đáp ứng nhu cầu của các hộ kinh doanh.

Xác định TM-DV là thế mạnh để thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, trong những năm qua, thị trấn Chờ có biện pháp phù hợp nhằm thu hút đầu tư; khuyến khích các hộ gia đình đầu tư phát triển lĩnh vực TM-DV, tạo điều kiện cho các hộ, nhất là những hộ có nhà mặt phố, gần chợ xây dựng mở rộng các cửa hàng kinh doanh, buôn bán. Tập trung tuyên truyền các hộ kinh doanh luôn tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật. Chủ động phối hợp với đội Quản lý thị trường đẩy mạnh công tác kiểm tra chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng. Tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh về mặt thủ tục vay vốn sản xuất kinh doanh…

Nhiều hộ đầu tư mở rộng cả về quy mô và hình thức kinh doanh tạo điều kiện cho việc thông thương hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân địa phương và vùng lân cận. Vài năm trở lại đây, khi hệ thống chợ của địa phương được đầu tư tu sửa, nâng cấp; một số dự án thu hồi đất nông nghiệp được triển khai, nhiều hộ làm nông nghiệp chuyển đổi sang làm TM-DV. Ngoài ra, nhiều hộ ở các địa phương lân cận cũng đăng ký tham gia kinh doanh, tại thị trấn, góp phần đưa doanh thu từ TM-DV của thị trấn ngày càng tăng và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của địa phương.

Riêng năm 2012, doanh thu từ tiểu thủ công nghiệp, TM-DV ước đạt hơn 179 tỷ đồng, chiếm 65,6% tổng thu nhập của thị trấn (năm 2010 trở về trước, doanh thu từ lĩnh vực này chỉ chiếm hơn 40%). Trong đó, nhiều hộ kinh doanh quy mô lớn có doanh thu hàng tỷ đồng/năm, điển hình như hộ ông Nguyên Văn Thụ, Nguyễn Văn Thu kinh doanh dịch vụ ăn uống; Nguyễn Hữu Vững dịch vụ nhà nghỉ …

Với mục tiêu đưa TM - DV dần trở thành mũi nhọn trong vấn đề phát triển kinh tế của địa phương. Thị trấn tiếp tục thực hiện các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ cho lĩnh vực này, góp phần thúc đẩy phát triên kinh tế-xã hội, xứng đáng là trung tâm chính trị, văn hóa, TM-DV của huyện Yên Phong.
Bài, ảnh: Thanh Ngân
Top