khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ sáu, 01/03/2013 - 13:37

Cao Đức- quản lý tốt lễ hội để gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa

Trên địa bàn xã Cao Đức (Gia Bình) có những di tích lịch sử văn hóa có giá trị tiêu biểu, đặc sắc. Xã Cao Đức đã tổ chức nhiều biện pháp hướng dẫn, quản lý nhằm tổ chức lễ hội trang nghiêm phần lễ, văn minh phần hội.

Xã Cao Đức có 8 thôn, 1.830 hộ, 7.779 khẩu; 13 chi bộ với 227 đảng viên. Trong tổ chức lễ hội, xã tuân thủ nghiêm Nghị quyết 20, 22 của HĐND tỉnh về thực hiện nếp sống văn minh; qui chế hoạt động văn hóa của các cấp. Đảng ủy xã quan tâm chỉ đạo tổ chức lễ hội, quản lý di tích nên đại bộ phận quần chúng nhân dân tự giác gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh và bảo vệ phát huy giá trị di tích.

Việc tổ chức lễ hội luôn giữ được những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, được người dân đồng tình hưởng ứng thực hiện. Để chuẩn bị cho lễ hội, Ban Chỉ đạo phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tham mưu với Đảng ủy, UBND xã triển khai các hoạt động tuyên truyền về giá trị lễ hội, quy mô tổ chức sâu rộng làm chuyển biến về nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thực hiện nếp sống văn minh, đặc biệt là nâng cao ý thức của người dân tham gia tổ chức lễ hội.

Ông Nguyễn Thành Long, cán bộ văn hóa xã Cao Đức cho biết: Lễ hội là hình thức sinh hoạt văn hoá, thể hiện bản sắc và truyền thống văn hoá của cộng đồng, nên trước khi tổ chức lễ hội xã xây dựng kế hoạch trình UBND huyện ra quyết định phê duyệt. Tổ chức họp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên BCĐ, BTC lễ hội với sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể để trực tiếp quản lý các hoạt động trong thời gian lễ hội diễn ra.

Tiêu biểu trong quản lý và tổ chức là lễ hội đền Cao Lỗ Vương. Hàng năm, từ mùng 9, 10-3 âm lịch, xã tổ chức lễ hội tại đền thờ Cao Lỗ Vương với sự tham gia của 9 làng (xã Cao Đức và Vạn Ninh) thu hút rất đông khách thập phương và nhân dân địa phương tham dự. Lễ hội gồm 2 phần, phần lễ và phần hội. Phần lễ: Tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa và tế một tuần. Phần hội: Tổ chức trò chơi dân gian, hoạt động giải trí... Tạo không khí vui tươi phấn khởi cho nhân dân và du khách thập phương. Nghi lễ tín ngưỡng được tổ chức phù hợp với bản sắc văn hóa của quê hương, góp phần vào việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống của quê hương đất nước.

Các hiện tượng đi ngược lại sự tiến bộ của xã hội như cờ bạc, mê tín dị đoan, văn hóa phẩm ngoài luồng giảm cơ bản; khi phát hiện đã xử lý kịp thời. BTC vận động tuyên truyền nhắc nhở nhân dân và du khách hạn chế đốt vàng mã, đốt hương đúng qui định, không dùng tiền âm phủ nhái tiền polime và đồ mã… BTC cũng quan tâm đến công tác vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, nơi gửi xe của khách…

Sự phối hợp chỉ đạo của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể nhân dân trong đó BCĐ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã tập hợp và phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể như Hội Người cao tuổi, Thanh niên, Phụ nữ, Cựu chiến binh… trong việc tổ chức lễ hội. Trong quá trình diễn ra lễ hội luôn có sự lồng ghép giữa phần lễ hội và nhu cầu vui chơi giải trí, tâm linh của người dân với quảng bá các giá trị văn hóa. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí được chú trọng và có nội dung lành mạnh, phong phú đúng với ý nghĩa tốt đẹp của lễ hội. Bên cạnh đó chú trọng công tác xã hội hóa các nguồn lực trong nhân dân, các tổ chức doanh nghiệp để tổ chức lễ hội, trùng tu tôn tạo di tích ngày thêm khang trang.

Nhờ làm tốt công tác trong tổ chức lễ hội và thực hiện tốt các nội dung của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống ở khu dân cư” tháng 1 năm 2013, xã Cao Đức vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen.
Đức Quý
Top