khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ sáu, 01/03/2013 - 13:39

Dùng dằng Quan họ

Bỏ qua cái ồn ào của một lễ hội lớn nhất trong năm tôi đến hội Lim khi trời đã nhập nhoạng tối. Những khuôn mặt người không tỏ vẫn dập dìu trong đồi Lim. Tiếng bước chân lạo xạo, giọng nói rì rầm, tiếng hát quan họ văng vẳng bên tai. Một cảm nhận thật khác khi trải lòng cùng các liền anh liền chị thưởng thức những làn điệu dân ca quan họ đặc sắc, không bị phân tâm và làm phiền bởi những thứ ồn ào, huyên náo của ban ngày.


Các bà các mẹ sóng sánh áo mớ ba mớ bảy và những câu quan họ ngọt lịm.

Trong không gian rất đỗi yên bình, trong sự lắng dịu của tâm hồn khi bước chân lên chùa Hồng Ân trong lòng ta bỗng cảm nhận sự thư thái, thanh tịnh. Không ồn ào, chen lấn, trong cõi hư vô đó, trong tiếng chuông chùa điểm vào thinh không để rồi cứ thế người xem lại đắm say trong những làn điệu quan họ. Nét đặc sắc của quan họ là hát mà như tâm tình, như trải nỗi niềm riêng, trải cái tình không quản mưa nắng, xa xôi để tìm nhau, để giãi bày những điều chưa tỏ cho đến khi “Nguyệt gác mái đình” vẫn dùng dằng “Người ở đừng về”, chưa muốn hát câu Giã bạn. Có lẽ khác biệt với nhiều loại hình âm nhạc khác, sức hút, độ bám rễ thâm sâu của quan họ không đơn thuần chỉ ở những lời ca, âm sắc đẹp mà còn đặc trưng, ấn tượng, dùng dằng người ở kẻ đi bởi áo mớ ba mớ bảy, nón quai thao, cái e lệ, thẹn thùng, duyên dáng từ khóe miệng, lúng liếng từ ánh mắt. Tất cả đã làm nên duyên quan họ. Trong quy ước của quan họ, những làng quan họ đã kết chạ với nhau thì liền anh liền chị không được lấy nhau. Chính vì thế mà tiếng hát của người quan họ thêm đậm đà, nồng nàn, khao khát, tình người quan họ thêm da diết, lưu luyến chẳng muốn chia xa sau mỗi canh hát.

Ngồi trong lán hát của Câu lạc bộ quan họ người cao tuổi huyện Tiên Du thưởng thức miếng trầu têm cánh phượng cay nồng, nghe những tâm tình của người quan họ mà thấy thêm yêu, thêm quý xứ Kinh Bắc kiêu kỳ này. Dù tuổi cao nhưng các bà các mẹ vẫn sóng sánh áo mớ ba mớ bảy, ánh mắt sắc như dao cau, hát những câu quan họ say đắm lòng người. Trò chuyện với liền chị Nguyễn Thị Tấm, năm nay cũng 70 tuổi rồi mà sao vẫn thấy tình yêu Quan họ còn đong đầy trong mắt bà. Hàng tháng cứ đến ngày 17 là các cụ lại sinh hoạt tại Nhà văn hóa huyện. Hội viên của Câu lạc bộ bây giờ cũng khá đông, lên đến gần 100 người, có những gia đình 3 thế hệ cùng sinh hoạt. Nội dung sinh hoạt là truyền dạy cho nhau những lời ca tiếng hát quan họ, luyện sao  cho tiếng hát được “vang, rền, nền, nẩy”. Người mới học thì học 30 bài rồi đến 50, 100 rồi đến 150 bài, cứ thế quan họ “đời nối đời” theo cái tình của người quan họ mà được gìn giữ và phát triển.

Đi hội Lim để lắng lòng với câu ca quan họ, để thưởng thức những tinh hoa của Văn hoá Việt. Không phải ngẫu nhiên mà quan họ lại được công nhận là di sản Văn hoá phi vật thể của nhân loại. Cho dù được đánh giá ở một số mặt tích cực khi thoát khỏi những xì èo không hay về hình ảnh quan họ xin tiền, về những lề lối quan họ biến tướng và việc bảo đảm an ninh trật tự tương đối tốt trong lễ hội năm nay thì dường như việc gây dựng lễ hội truyền thống vẫn chưa thực sự đúng tầm của nó. Tôi vẫn nhớ như in câu nói của bà Tấm “Quan họ đã ngấm vào máu thịt rồi muốn mang tiếng hát để trải lòng với du khách thập phương. Chính vì thế mỗi năm lại mong được đến Hội để được hát, được bày tỏ cái tình của người Quan họ. Nhưng mấy ai bây giờ đủ kiên nhẫn nghe hết một bài đâu”…

Trả lại lễ hội về cho cộng đồng chính là trả lại sự nguyên bản, trả lại những giá trị thực của nó. Với người quan họ, sự nền nếp gia phong luôn được gìn giữ, nâng niu trân trọng. Vẫn rất cần sự quan tâm của cộng đồng trong việc khai thác, bảo tồn và phát huy di sản. Mỗi chúng ta cũng là một trong những bản thể của cộng đồng cần biết trân trọng, gìn giữ và nâng niu hơn những giá trị văn hoá Việt. Để mỗi lần đến hội Lim câu quan họ dùng dằng níu giữ chẳng muốn về…
Bài, ảnh: Yến Minh
Top