Người dân địa phương kể rằng, môn bơi chải đã ăn sâu, bám rễ trong nếp nghĩ của người dân và trở thành một phần bản sắc văn hóa độc đáo, không thể thiếu trong lễ hội truyền thống nơi đây. Nguồn gốc của môn thể thao bơi chải ở Đại Lâm xuất phát từ cuộc kháng chiến chống Tống năm 1077 của quân dân nhà Lý trên sông Như Nguyệt. Nhiều thập kỷ qua, người dân Đại Lâm từ già đến trẻ đều yêu thích, say mê và luôn có ý thức trân trọng, gìn giữ môn thể thao truyền thống của quê hương.

Cổ vũ các đội thi bơi chải ở lễ hội truyền thống làng Đại Lâm (Tam Đa, Yên Phong).
Ông Nguyễn Văn Thủy, Trưởng Ban công tác MTTQ, Phó Trưởng BTC lễ hội truyền thống làng Đại Lâm xuân Quý Tỵ 2013 khẳng định: Có sự xuất hiện trở lại của môn bơi chải truyền thống trong hội làng năm nay, không thể không nói đến sức mạnh của tinh thần đoàn kết, đồng lòng giữa cán bộ và nhân dân Đại Lâm. Toàn bộ kinh phí để đóng 4 chiếc thuyền mới đều do bà con trong thôn đóng góp, người có ít góp ít, người có nhiều góp nhiều, tất cả cùng chung sức để gìn giữ, duy trì môn bơi chải - một nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo, đặc sắc của Đại Lâm”.
Người ta bảo: “Hội làng Đại Lâm không gì vui bằng bơi chải và nếu thiếu bơi chải sẽ không phải hội làng Đại Lâm”. Bà Nguyễn Thị Bắc, 77 tuổi - một người làng Đại Lâm hồ hởi: “Sau 8 năm vắng bóng (do thuyền bị hỏng), từ 2006 đến nay, hội làng Đại Lâm mới tưng bừng, hào hứng như vậy. Vì có sự xuất hiện trở lại của môn thể thao bơi chải truyền thống độc đáo, đặc sắc vốn chỉ có ở những làng vùng sông nước nên chúng tôi thấy vui và phấn khởi lắm. Nửa tháng nay, người dân trong thôn tất bật, tập trung cày cấy xong vụ để còn sửa soạn, chuẩn bị đến những ngày hội làng vui chơi thoải mái”.
Tham gia hội thi bơi chải làng Đại Lâm năm nay có 4 đội với gần 100 người với độ tuổi từ 18 đến 40. Vừa lên bờ sau loạt đua thuyền chải ở vòng chung kết, anh Ngô Văn Anh, 30 tuổi, một thành viên của đội Chợ tâm sự: Thật sảng khoái và sung sướng vì đội chúng tôi đã đoạt giải Nhất. Để giành chiến thắng, điều quan trọng nhất là tinh thần đồng đội, phải có sự đồng lòng, chung sức, 12 người phải như một, không ai được “lạc nhịp” thì mới có thể thành công. Lâu lắm rồi làng Đại Lâm mới mở hội đua thuyền chải nên các đội tham gia đều có sự chuẩn bị, luyện tập từ rất sớm, đội nào cũng có quyết tâm cao. Chính vì vậy, để có thể vượt qua được các đội bạn và giành chiến thắng, đội Chợ chúng tôi đã nỗ lực, cố gắng rất lớn.
Cùng với rất nhiều hoạt động phần lễ và phần hội như: rước kiệu, tế lễ, thi đấu cầu lông, cờ tướng, đấu vật… thì bơi chải - môn thể thao quần chúng đã góp phần làm nên sự đậm đà bản sắc văn hóa của hội làng Đại Lâm và tạo không khí vui tươi, tinh thần sảng khoái, giúp người dân quay lại với công việc hàng ngày hiệu quả hơn.