Bà Trần Thị Phượng, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện cho biết: Từ ngày 22-3 đàn lợn nái gồm 1 lợn mẹ, 19 lợn sữa và đàn lợn thịt gồm 7 con của 2 gia đình là bà Nguyễn Thị Thơm và ông Nguyễn Đăng Thụ ở thôn Hoài Thị xảy ra hiện tượng ốm, chết. Ngay trong ngày, Trạm đã báo cáo tình hình với Chi cục Thú y tỉnh tiến hành kiểm tra, lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. Sau khi có kết quả dương tính với bệnh LMLM, Trạm đã tham mưu cho UBND huyện Tiên Du kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật huyện và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Trạm Thú y huyện phối hợp với chính quyền xã Liên Bão tiến hành lập cam kết với các hộ chăn nuôi, kinh doanh, mua bán, giết mổ gia súc trên địa bàn yêu cầu không bán chạy, giết mổ, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển lợn và sản phẩm chế biến từ thịt lợn. Thống kê toàn bộ đàn gia súc của các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện để thực hiện tiêm phòng vaccin LMLM. Đồng thời thành lập 4 chốt kiểm dịch tại các trục giao thông chính ra vào địa bàn xã Liên Bão có nhiệm vụ kiểm soát, phun hóa chất, rắc vôi bột đối với toàn bộ các phương tiện giao thông thường xuyên vào địa bàn xã nhằm ngăn chặn nguy cơ phát tán dịch bệnh.

Lực lượng liên ngành huyện Tiên Du kiểm tra việc kinh doanh thịt lợn tại chợ Bựu.
Ông Nguyễn Sỹ Tân, phụ trách chốt kiểm dịch động vật tại thôn Hoài Thị cho biết: “Từ khi xuất hiện dịch LMLM trên địa bàn, theo chỉ đạo của xã chúng tôi thường xuyên trực 24/24 giờ, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc từ các vùng lân cận qua địa bàn và từ địa bàn ra bên ngoài, thực hiện phun hóa chất khử trùng tiêu độc đối với tất cả phương tiện giao thông qua địa bàn.
Đến nay, nhìn chung người dân đều có ý thức rất cao trong việc phòng, chống dịch bệnh và chấp hành nghiêm túc quy định không vận chuyển, buôn bán, giết mổ lợn và sản phẩm chế biến từ thịt lợn”. Ngoài ra, để khống chế sự lây lan của dịch, Trạm Thú y huyện chỉ đạo lực lượng thú y cơ sở thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường tại các khu vực công cộng, đường làng ngõ xóm, rãnh thoát nước... và tổ chức tiêu hủy toàn bộ số lợn ốm, chết theo đúng quy trình kỹ thuật.
Kết quả, đến nay đã phun 120 lít hóa chất, tiêu hủy 54 con lợn các loại với trọng lượng 1.214 kg. Ngoài hóa chất do Trạm Thú y huyện cung cấp, xã Liên Bão trích ngân sách mua 8 tấn vôi bột để rắc tại các khu vực công cộng, đường làng ngõ xóm và tại các hộ chăn nuôi quy mô lớn. Tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh về tình hình, diễn biến, biện pháp phòng, chống, các quy định của Nhà nước về tiêu hủy, chính sách hỗ trợ đối với dịch bệnh LMLM đến người dân. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra việc kinh doanh, buôn bán lợn và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn tại các chợ, hộ làm nghề giết mổ lợn trên địa bàn. Tại khu vực chợ Bựu, một trong những địa điểm thường ngày có khoảng gần chục hộ kinh doanh, buôn bán thịt lợn nhưng từ khi dịch bệnh xảy ra đã không còn trường hợp nào bày bán mặt hàng này.

Tất cả phương tiện ra vào khu vực thôn Hoài Thị đều được phun hóa chất khử trùng tiêu độc.
Bà Nguyễn Thị Hồng, một trong những hộ kinh doanh tại đây cho biết: “Trước đây mỗi ngày tôi thường bán khoảng 50 kg thịt lợn. Tuy nhiên từ khi trên địa bàn xảy ra dịch do được các cấp, các ngành tuyên truyền, nhắc nhở vì vậy tôi đã chuyển sang kinh doanh thịt gia cầm để phục vụ nhu cầu thực phẩm hàng ngày cho người dân”.
Mặc dù đã triển khai đồng bộ các biện pháp khoanh vùng, dập dịch tuy nhiên hiện nay, thời tiết đang chuyển mùa là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát triển trên đàn gia súc. Vì vậy, trong thời gian tới các cấp, ngành đặc biệt các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Liên Bão nói riêng và toàn huyện nói chung cần tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh; làm tốt công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi; tiến hành vệ sinh khử trùng tiêu độc môi trường; đặc biệt cần thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học... nhằm sớm khống chế, không để bùng phát trên diện rộng, tiến tới khoanh vùng, dập dịch.