
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu chào mừng tại Chương trình nghệ thuật Về miền Quan họ.
Bắc Ninh – Kinh Bắc, giang sơn tụ khí, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng; là nơi phát tích của các triều vua nhà Lý – triều đại khai mở và xây nền văn minh quốc gia Đại Việt, vùng đất Địa linh nhân kiệt luôn là phên dậu phía Bắc của kinh thành Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội, là nơi đầy ắp những dấu ấn lịch sử được kết tinh trong những di sản văn hóa tiêu biểu, nơi sinh ra nhiều bậc khoa bảng hiền tài.
Chính các bậc trí thức Tiên hiền Nho học là nền tảng để truyền thụ và phát triển các làng nghề tinh xảo xứ Bắc cùng các di sản văn hóa đặc sắc như: Quan họ, ca trù, chèo, tuồng, tranh Đông Hồ, múa rối nước… và kiến tạo nên nhiều Bảo vật quốc gia.
Bắc Ninh cũng là nơi sản sinh và nuôi dưỡng những người con ưu tú, những chiến sĩ cộng sản, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc như: Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo,… Trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh giành và giữ chính quyền, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhân dân Bắc Ninh luôn tự hào đã có nhiều đóng góp to lớn cho đất nước.
Nền tảng và chiều sâu văn hóa xứ Kinh Bắc đã góp phần làm rạng rỡ những trang sử vàng dân tộc Việt Nam. Trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, Bắc Ninh cũng là một trong những điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế - xã hội và quá trình đô thị hóa.
Với tình cảm trân trọng, tôi nhiệt liệt hoan nghênh và chúc mừng những thành tựu mà Bắc Ninh đạt được trong thời gian qua, mong rằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử, cách mạng và các giá trị văn hóa của quê hương, đoàn kết, sáng tạo, khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, nắm bắt cơ hội để đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, xây dựng tỉnh Bắc Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Về miền Quan họ đã trở thành một chương trình nghệ thuật thường niên vào đầu năm mới của tỉnh Bắc Ninh.
Qua hơn 4 năm được UNESCO quyết định ghi danh Dân ca Quan họ Bắc Ninh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Hát ca trù là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp; cùng với phát triển kinh tế, Bắc Ninh đã và đang làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị hai di sản văn hóa phi vật thể nói trên. Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã thực sự trường tồn và lan tỏa trong đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng dân cư trong nước và quốc tế.
Cùng với hai di sản văn hóa phi vật thể thế giới, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ có từ thế kỷ XVI đã sản sinh ra dòng tranh bằng phương pháp thủ công truyền thống, sử dụng các chất liệu có sẵn trong thiên nhiên, gần gũi với đời sống con người. Tranh dân gian Đông Hồ hội tụ đầy đủ các giá trị lịch sử, văn hóa, văn học, nghệ thuật, phản ánh sâu sắc và sinh động về tín ngưỡng, đời sống sinh hoạt của người dân vùng châu thổ Bắc bộ. Với những giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, vừa qua Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đã vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Nhân dịp này, tôi đề nghị tất cả các ngành, các cấp, các địa phương trong cả nước cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, có những việc làm thiết thực, hiệu quả để bảo tồn, tôn vinh và phát huy những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc, làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển.
Với tinh thần đó, tôi đề nghị Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bắc Ninh cần tập trung làm tốt các việc sau đây:
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về di sản, để cho tất cả mọi người trong cộng đồng hiểu rõ giá trị của di sản văn hóa; có phương pháp bảo tồn, khai thác và phát huy tốt giá trị các di sản của đất nước và nhân loại.
- Tôn vinh, động viên, khuyến khích kịp thời các nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa, người tâm huyết với di sản để họ có đóng góp nhiều hơn nữa trong công tác truyền dạy và thực hành di sản tại cộng đồng cho các thế hệ sau.
- Quan tâm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; tạo điều kiện cho cộng đồng Quan họ giao lưu với các địa phương, gắn du lịch với khai thác giá trị di sản, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững.