Thứ hai, 18/03/2013 - 08:58
Triển khai bảo hiểm chăn nuôi còn chậm
Là một trong những địa phương thí điểm triển khai bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) theo Quyết định 315 ngày 1-3-2011 của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua Ban chỉ đạo (BCĐ) về BHNN tỉnh đã tích cực tổ chức thực hiện với mục tiêu hỗ trợ cao nhất cho người chăn nuôi khắc phục khó khăn, thúc đẩy sản xuất phát triển bền vững.
Đến thời điểm này mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu xong việc triển khai thí điểm BHNN trên địa bàn nhìn chung còn chậm, kết quả còn thấp so với yêu cầu đặt ra. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, khẩn trương và quyết liệt hơn nữa của BCĐ các cấp, các ngành chức năng nhằm thực hiện thắng lợi những mục tiêu tốt đẹp mà chương trình đã đặt ra.
Theo chương trình thí điểm BHNN ban đầu thì Bắc Ninh đã lựa chọn 9 xã của 3 huyện: Quế Võ, Thuận Thành và Yên Phong để tổ chức bảo hiểm cho đàn lợn, gà và vịt. Điều này thực sự có ý nghĩa với người chăn nuôi trong giai đoạn khó khăn hiện nay và là động lực để người chăn nuôi yên tâm đầu tư sản xuất bền vững. Ngay sau khi có các văn bản hướng dẫn của trên và sự chỉ đạo của BCĐ tỉnh, đơn vị thực hiện bảo hiểm là Bảo Việt Bắc Ninh đã chủ động tích cực triển khai các bước, các giải pháp tuyên truyền, tập huấn, rà soát, lập danh sách các hộ chăn nuôi và cùng BCĐ các xã tiến hành ký kết hợp đồng với các cơ sở chăn nuôi.
Tính đến hết tháng 2-2013, Bảo Việt Bắc Ninh đã ký kết được 171 lượt hộ chăn nuôi, trong đó 81% là hộ nghèo, 12,2% hộ cận nghèo và 6,8% là hộ nông dân thường. Tổng số vật nuôi được bảo hiểm là 6.648 con gia súc, gia cầm các loại. Tổng giá trị bảo hiểm đạt trên 4 tỷ đồng với tổng số phí bảo hiểm đạt trên 136,6 triệu đồng.
Ngay sau khi ký kết, trong tháng 1 và 2-2013 trên địa bàn 2 huyện Thuận Thành và Yên Phong đã có 2 hộ chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh, Bảo Việt Bắc Ninh đã kịp thời cùng các cơ quan chức năng và địa phương chi trả bồi thường với tổng số tiền gần 4 triệu đồng (bảo đảm đúng quy trình trong vòng 5 ngày kể từ khi thông báo thiệt hại). Nhờ vậy, hộ chăn nuôi bị dịch bệnh đã sớm khắc phục thiệt hại, ổn định sản xuất.
Tuy nhiên, theo đánh giá của BCĐ tỉnh thì việc triển khai thí điểm BHNN trên địa bàn tỉnh còn chậm, kết quả thấp so với kế hoạch đề ra. Nguyên nhân chủ yếu do nhận thức của người dân về bảo hiểm vật nuôi còn hạn chế, trong khi cấp ủy Đảng, chính quyền một số xã tham gia chương trình thiếu quan tâm chỉ đạo sát sao, sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan chưa chặt chẽ. Bên cạnh đó, một số quy định về bảo hiểm còn bấp cập như phạm vi bảo hiểm… Đây là những vấn đề cần phải giải quyết dứt điểm với những giải pháp đồng bộ và hiệu quả nhằm phấn đấu triển khai thắng lợi chương trình này trên địa bàn tỉnh.
Sau khi có kiến nghị của tỉnh, một số bất cập về bảo hiểm đã được tháo gỡ bằng Thông tư 43 của Bộ Nông nghiệp & PTNT và Quyết định 2114 của Bộ Tài chính. Theo đó, BCĐ tỉnh đã chỉ đạo mở rộng địa bàn thí điểm bảo hiểm vật nuôi ra tất cả các xã, thị trấn thuộc 3 huyện Yên Phong, Thuận Thành và Quế Võ. Mức hỗ trợ phí bảo hiểm cũng được hướng dẫn thực hiện theo Quyết định 358 (sửa đổi, bổ sung Quyết định 315) của Thủ tướng Chính phủ với mức hỗ trợ các hộ nghèo là 100% phí bảo hiểm, hộ cận nghèo được hỗ trợ 90% và hộ nông dân thường được hỗ trợ 60% phí bảo hiểm. Đây là điều mà người chăn nuôi rất mong đợi, bởi trước áp lực của tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, thị trường tiêu thụ bếp bênh… thì sự hỗ trợ của Nhà nước về phí bảo hiểm sẽ tạo động lực để người chăn nuôi yên tâm sản xuất. Vấn đề quan trọng lúc này là cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ triển khai thí điểm BHNN phấn đấu đầu tháng 4 này, tất cả các hộ, các tổ chức trên địa bàn 3 huyện được ký hợp đồng bảo hiểm và được hưởng những lợi ích của BHNN đem lại.
Muốn vậy, các cấp, ngành hữu quan cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của BCĐ về BHNN tỉnh, từ đó chủ động, tích cực triển khai các bước thực hiện theo nhiệm vụ, chức năng được phân công. BCĐ các xã cần khẩn trương tiến hành rà soát, lập danh sách các hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo, các tổ chức, cá nhân chăn nuôi trên các địa bàn để tuyên truyền, vận động tham gia bảo hiểm và tổ chức ký hợp đồng bảo hiểm.
Tăng cường, đẩy mạnh việc tổ chức tuyên truyền trong toàn dân bằng nhiều hình thức tại 100% số thôn, xóm, để mọi người dân đều nắm rõ chính sách và lợi ích của việc tham gia BHNN, nội dung, yêu cầu của thí điểm bảo hiểm cho lợn, gà, vịt… Tham gia BHNN là giải pháp quan trọng để giúp người chăn nuôi giảm thiểu rủi ro, thúc đẩy phát triển chăn nuôi bền vững. Với mục tiêu phấn đấu để những hộ chăn nuôi có đủ điều kiện đều tham gia ký hợp đồng và được hưởng các quyền lợi bảo hiểm thì đòi hỏi tinh thần trách nhiệm và sự chung tay của các cấp, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh.
Lê Thanh