
Giao dịch lưu động đã tạo điều kiện cho ngưòi nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn nhanh, hiệu quả hơn.
7 giờ 30 phút một ngày đầu tuần của tháng 3 tại điểm giao dịch thị trấn Chờ (Yên Phong), các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) và hàng trăm hộ dân đã tập trung tại hội trường UBND. Đây là điểm giao dịch định kỳ hàng tháng của NHCSXH thực hiện giải ngân chương trình tín dụng ưu đãi và thu nợ, thu lãi đối với những món vay đến hạn.
Chị Nguyễn Thị Luận, thôn Trác Bút, thị trấn Chờ phấn khởi: “Thông qua tổ chức Hội phụ nữ, tôi được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH. Nhờ được vay 20 triệu đồng vốn vay hộ nghèo để đầu tư phát triển trồng trọt, chăn nuôi, đến nay gia đình đã thoát nghèo. Vay vốn ưu đãi của NHCSXH thông qua điểm giao dịch tại thị trấn thủ tục vừa đơn giản vừa thuận tiện, không phải mất thời gian đi, chúng tôi rất hài lòng. Đặc biệt tại điểm giao dịch lưu động của NHCSXH chúng tôi biết được các thông tin về lãi suất, thủ tục vay vốn… vì tất cả đều được công khai tại bảng thông báo. Đồng thời, trong quá trình làm thủ tục, chúng tôi đều được cán bộ ngân hàng hướng dẫn tận tình, chu đáo”.
Chị Nguyễn Thị Tính, Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Chờ (Yên Phong) cho biết: “Từ năm 2003 đến nay, vốn vay qua tổ chức Hội LHPN thị trấn liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước, 100% vốn được sử dụng đúng mục đích, không bị thất thoát. Tổng nguồn vốn ủy thác qua Hội thời điểm này đạt hơn 12 tỷ đồng, tăng 10 lần so với năm 2003 cho hơn 500 lượt hộ vay. Trong đó hộ nghèo đạt 3,4 tỷ đồng; học sinh sinh viên 7,5 tỷ đồng; giải quyết việc làm 135 triệu đồng…”.
Xã Hòa Tiến (Yên Phong) trong vài năm trở lại đây kinh tế có sự bứt phá mới, nhờ đồng vốn NHCSXH các hộ dân đầu tư phát triển chăn nuôi mang lại hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Tiến, Bí Thư Đảng ủy cho biết: “Trước đây người dân địa phương gặp rất nhiều khó khăn, nhưng vài năm trở lại đây cuộc sống đã thay đổi từng ngày. Nhờ nguồn vốn của NHCSXH nhiều hộ gia đình mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, sản xuất thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Đến thời điểm này, có hàng trăm lượt hộ nghèo trên địa bàn xã được vay vốn của NHCSXH và gần 100 hộ đã thoát nghèo. Tổng dư nợ lũy kế đến thời điểm này là hơn 10 tỷ đồng”.
Với phương thức cho vay ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội NHCSXH tỉnh luôn duy trì nền nếp hoạt động của các tổ giao dịch lưu động tại xã, phường tăng cường khả năng tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, tiết giảm chi phí, thực hiện công khai, dân chủ. Đồng thời tăng cường sự chỉ đạo của chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội ở cơ sở trong việc kiểm tra, giám sát và giúp đỡ người vay sử dụng vốn có hiệu quả. Trong 7 chương trình tín dụng ưu đãi thì có tới 6 chương trình ủy thác qua các tổ chức Hội, đoàn thể (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên).
Hiện toàn tỉnh thành lập được 126 điểm giao dịch ở các xã, phường, thị trấn và 2.802 tổ TK&VV của các tổ chức đoàn thể. Các tổ TK &VV được thành lập theo nguyên tắc tự nguyện, đoàn kết tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau. Nhờ đó đã giúp cho các hộ nghèo, đối tượng chính sách có vốn làm ăn, cải thiện đời sống, giúp cho hàng nghìn lượt học sinh sinh viên vay vốn học tập.
Chăm lo đời sống vật chất tinh thần, giảm nghèo bền vững cho người dân là trách nhiệm của nhiều cấp, ngành. Nhưng với những gì mà NHCSXH tỉnh nỗ lực triển khai trong thời gian qua đã giúp người dân từng bước nâng cao đời sống, phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể đã mang lại hiệu quả cho việc đưa nguồn vốn đến gần dân, sát dân tạo nhiều thuận lợi cho nhân dân. Hy vọng trong thời gian tới, NHCSXH tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân để đồng vốn ưu đãi được đầu tư hiệu quả, góp phần tích cực giảm nghèo tại địa phương.