Cháu bá cổ rồi xoay người: “Ông ơi! Ông cõng con nào” lần này ngồi trên lưng tôi, cháu vui luyến thoắng: “Con kể chuyện ông nghe… Ngày xửa ngày xưa… Chị Tấm ơi chị Tấm, đầu chị lấm… bống bống bang bang, bống ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta, không ăn cơm… cháo hoa nhà người”.
Một đôi tiếng còn ngọng vài ba câu chưa chuẩn và đứt quãng. Vậy là cháu kể chuyện Tấm Cám cho tôi nghe (trong tuần bố mẹ cháu đã đọc cho cháu nghe truyện Tấm Cám).
Nhìn cháu quý yêu lòng tôi trào dâng niềm vui hạnh phúc vô bờ.
Một hôm đột nhiên cháu hỏi tôi: “Ông ơi xương cá thành quần áo đẹp được hả ông?” Tôi hơi giật mình và thấy bí, đành dùng chiêu lảng: “Thôi hôm nay không kể chuyện nữa, ông con mình ra thăm vườn rau nhé”, cháu vốn rất thích ra vườn rau nên vui vẻ quên ngay câu hỏi của mình.
Đêm hôm ấy tôi lấy cuốn kho tàng truyện cổ tích Việt Nam đọc lại truyện Tấm Cám. Tôi đọc chậm, nghiền ngẫm kỹ. Từng từ từng ý từng tình tiết của chuyện hiện về như những bức tranh sống động: “Mẹ của Tấm chết rồi cha cũng chết… Một dì ghẻ ác độc cay nghiệt… Cám lừa Tấm tắm đổ giỏ cá của chị sang giỏ của mình… Bụt thoáng hiện lên rồi biến mất… Chim sẻ xuống nhặt thóc cho Tấm nhưng phải: Rặt rặt xuống nhặt cho tao, ăn mất hạt nào thì tao đánh chết… Rồi dì chặt cau. Tấm ngã lộn cổ xuống chết… Tiếng Tấm trong khung cửi: Lấy tranh chồng chị, chị khoét mắt ra… Và kết thúc với đỉnh cao: Tấm bảo Cám xuống hố sâu đào sẵn, dội nước sôi cho chết, lấy xác làm mắm gửi về cho dì, dì ăn hết trơ đầu lâu của Cám”.
Mắm người! Tôi thật sự kinh hoàng, sợ hãi: Hoang đường, xảo quệt, độc ác, tàn bạo, man dợ, rùng rợn đến tận cùng.
Nhớ năm ngoái các cháu tôi ở Đức về ăn Tết. Đưa các cháu đi chơi công viên thành phố. Tôi chạy qua chạy lại chọn cảnh, tìm vị trí muốn chụp được những tấm ảnh đẹp. Phương Anh cháu tôi mới vừa 5 tuổi, thảng thốt gọi: “Ông ơi! Ông ơi! Ông dẫm hết lên cỏ rồi” Tôi sững sờ, ngượng ngiụ.
Với truyện Tấm Cám đã và sẽ còn nhiều lý giải, lời bàn. Nhưng riêng tôi, thật sự sợ hãi, hoang mang mỗi khi nghĩ đến hàng triệu trái tim bé nhỏ, ngây thơ hồn nhiên như những tờ giấy trắng. Khi mà các em thấy kết thúc truyện có đoạn kết mang tư tưởng hành động tận diệt khi người ta đã là “kẻ dưới ngựa” là hành động trả thù hèn hạ. Đi ngược lại truyền thống của dân tộc Việt Nam là giàu lòng nhân ái, nhân văn.