
Quan tâm, chăm sóc đời sống tinh thần cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS để giúp các em hòa nhập cộng đồng.
Bên cạnh đó, tỷ lệ người nhiễm HIV mới phát hiện trong nhóm tuổi 30-39 ngày càng chiếm tỷ trọng cao. Cảnh báo nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục sẽ là nguyên nhân chính làm lây truyền HIV ở Việt Nam trong những năm tiếp theo và khả năng khống chế lây nhiễm HIV qua đường tình dục sẽ khó khăn hơn nhiều lần so với khống chế lây truyền qua đường máu trong nhóm tiêm chính ma túy. Tại Bắc Ninh, so sánh số trường hợp được xét nghiệm phát hiện và báo cáo nhiễm HIV năm 2012 và 5 năm gần đây cho thấy, số trường hợp nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS và nhiễm HIV tử vong tiếp tục có xu hướng giảm nhưng không đáng kể. Số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện giảm liên tiếp trong 5 năm gần đây, tuy nhiên xu hướng giảm năm 2012 bắt đầu chậm hơn nhiều so với những năm trước đây. Tính đến hết ngày 31-12-2012, toàn tỉnh phát hiện 2.261 người nhiễm HIV tại 117/126 xã, phường, thị trấn của 8/8 huyện, thị xã, thành phố, trong đó thành phố Bắc Ninh có tỷ lệ người nhiễm HIV cao nhất, chiếm tới 53,8% với 100% xã, phường có người nhiễm HIV.
Đây là năm thứ 5 liên tiếp số người nhiễm HIV mới phát hiện tại Bắc Ninh giảm, tỷ lệ nhiễm HIV trong các nhóm nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm tiếp tục được khống chế và có xu hướng giảm. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nguy cơ thấp tại cộng đồng tiếp tục giữ được ổn định và ở mức độ thấp, xu hướng tử vong do HIV/AIDS giảm liên tiếp trong nhiều năm qua, cho thấy hiệu quả từ công tác chăm sóc, điều trị ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên tình hình dịch vẫn còn diễn biến phức tạp và chúng ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn và tồn tại trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Mặc dù dịch HIV/AIDS tiếp tục có xu hướng giảm cả về số người nhiễm, số bệnh nhân AIDS và tử vong do AIDS, tuy nhiên vẫn chưa đảm bảo tình bền vững. Dịch HIV/AIDS vẫn tiềm ẩn những yếu tố nguy cơ bùng phát, gia tăng trở lại nếu chúng ta không có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và hiệu quả.
Mức độ tiếp cận với chương trình phòng, chống HIV/AIDS của người dễ bị lây nhiễm HIV và người nhiễm HIV vẫn còn hạn chế. Mặc dù chương trình liên tục được mở rộng trong những năm qua, nhưng nhóm người dễ bị lây nhiễm HIV tiếp cận được với chương trình còn hạn chế, đối với chương trình bơm kim tiêm và bao cao su mới chỉ được bao phủ được 7/126 xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh; phần lớn người nhiễm HIV đến với cơ sở điều trị ở giai đoạn muộn. Rào cản tiếp cận chương trình là do nhận thức người dân đối với HIV/AIDS còn hạn chế, điều kiện kinh tế, sự kỳ thị của xã hội vẫn còn, thái độ của một số bộ phận cán bộ cung cấp dịch vụ chưa tốt và một số chính sách mạnh đối với loại trừ ma túy làm cho người nghiện chích ma túy, người nhiễm HIV liên quan đến việc nghiện chích ma túy ngại tham gia hoặc sợ bị bắt khi tiếp cận với dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS.
Nằm trong khó khăn chung về nhân lực của hệ y tế dự phòng, chương trình phòng, chống HIV/AIDS đang thiếu hụt nghiêm trọng đội ngũ cán bộ tại tất cả các tuyến. Sự thiếu hụt nhân lực là rào cản cho việc mở rộng chương trình điều trị và công tác can thiệp giảm tác hại. Trong khi số cán bộ có trình độ và kinh nghiệm được tuyển dụng thêm ít, cán bộ kinh nghiệm và năng lực xin chuyển công tác khác hoặc chuyển lĩnh vực khác, nguyên nhân chính là do công việc căng thẳng và vất vả, trong khi thu nhập còn quá thấp, đãi ngộ ngành nghề, phụ cấp đặc thù, độc hại và phụ cấp thâm niên còn hạn chế.
Trụ sở Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đang được xây dựng, vì thế cán bộ, nhân viên phải làm việc trong điều kiện chật hẹp, không triển khai hết hiệu quả của trang thiết bị, máy móc. Kinh phí triển khai cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS từ chương trình mục tiêu Quốc gia và đối ứng của tỉnh vẫn còn ở mức thấp. Bên cạnh đó, chương trình phòng, chống HIV/AIDS dựa vào nhóm cộng tác viên và tuyên truyền viên đồng đẳng được chứng minh có hiệu quả cho chương trình giảm tác hại lại chỉ nhận được chế độ, thù lao quá thấp, gây khó khăn cho việc tuyển chọn.
Vì vậy, để bảo đảm tính bền vững và hiệu quả trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện; tăng cường số lượng và năng lực đội ngũ cán bộ phòng, chống HIV/AIDS; huy động mạnh mẽ sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội và cộng đồng vào công tác này; tiếp tục đẩy mạnh triển khai các biện pháp chuyên môn kỹ thuật của dự án phòng, chống HIV/AIDS…