khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ hai, 08/04/2013 - 15:59

Giải quyết tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT

Theo báo cáo của BHXH tỉnh, đến hết tháng 2, số tiền nợ đọng Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm Y tế (BHYT) và Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của một số cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã lên đến hơn 128 tỷ đồng.

Tình trạng nợ đọng diễn ra ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố và ngày càng diễn biến phức tạp ảnh hưởng xấu đến vấn đề an sinh xã hội và sự phát triển của doanh nghiệp cũng như quyền lợi của người lao động.
Hết tháng 2, trên địa bàn tỉnh có tới 447 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nợ tiền đóng BHXH, BHYT và BHTN từ 3 tháng trở lên với số tiền hơn 73 tỷ đồng; 12 đơn vị nợ từ 12 tháng đến 24 tháng và 15 đơn vị nợ trên 24 tháng. Cá biệt, có doanh nghiệp nợ kéo dài đến 62 tháng. Bảo hiểm thành phố Bắc Ninh có 141 cơ quan, đơn vị nợ số tiền hơn 19 tỷ đồng, cao nhất tỉnh; BHXH thị xã Từ Sơn có 104 đơn vị số tiền nợ hơn 8,7 tỷ đồng; BHXH huyện Tiên Du 31 đơn vị nợ 10,7 tỷ đồng; BHXH huyện Gia Bình có 20 đơn vị nợ 850 triệu đồng, thấp nhất tỉnh. Tình trạng nợ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN kéo dài với số tiền lớn đã gây ra hậu quả nghiêm trọng.
 

BHXH và Công an tỉnh ký kết quy chế phối hợp phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về lĩnh vực bảo hiểm.
 

Cụ thể, nếu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp không đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN đúng quy định thì lợi ích, quyền lợi của người lao động sẽ bị xâm phạm, mọi chế độ nghỉ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí của người lao động đều không được hưởng; người lao động sẽ mất niềm tin vào cơ quan, doanh nghiệp, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh. Tình trạng nợ đọng cũng ảnh hưởng trực tiếp đến quỹ BHXH, BHYT và các chính sách an sinh xã hội của mỗi địa phương.

Về nguyên nhân do nhận thức về trách nhiệm và quyền lợi tham gia BHXH, BHYT bắt buộc của một số người sử dụng lao động còn hạn chế, nhất là khu vực ngoài nhà nước dẫn đến việc đóng chậm, đóng thiếu hoặc trốn đóng. Không ít doanh nghiệp cố tình không đóng BHXH, BHYT hoặc chỉ đóng BHXH, BHYT cho một số người trong bộ khung quản lý của đơn vị để giảm chi phí, thu lợi nhuận nhiều hơn.

Bên cạnh đó cũng có nhiều doanh nghiệp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, giải thể, phá sản hoặc ngừng hoạt động nên không có nguồn kinh phí trả lương và đóng BHXH, BHYT cho người lao động. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về việc nợ đọng BHXH, BHYT của các cơ quan chức năng chưa thường xuyên… Bên cạnh các nguyên nhân trên thì cũng có một số nguyên nhân thuộc về chính sách. Quy định mức lãi suất chậm đóng BHXH thấp hơn mức lãi suất vay ngân hàng nên một số doanh nghiệp cố tình nợ BHXH, chấp nhận chịu phạt để chiếm dụng quỹ BHXH; chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT còn nhiều bất cập như mức xử phạt thấp; thủ tục xử phạt phức tạp, chưa có quy định xử lý hình sự đối với chủ sử dụng lao động khi chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT của người lao động. Cơ quan BHXH không có chức năng thanh tra, xử phạt vi phạm BHXH, do đó khi kiểm tra, phát hiện các đơn vị sử dụng lao động vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT chỉ nhắc nhở và đề nghị các cấp, các ngành hữu quan xử lý.

Theo ông Phạm Đức Cường, Phó Giám đốc BHXH tỉnh: Trước thực trạng nợ đọng tiền đóng BHXH, BHYT thời gian qua thì BHXH tỉnh đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT; phối hợp kiểm tra, thanh tra. Với những đơn vị sử dụng lao động nợ đọng tiền BHXH, BHYT kéo dài đã tập trung kiểm tra, đôn đốc và cử người trực tiếp đến làm việc, lập biên bản đối chiếu thu nộp BHXH, BHYT để làm căn cứ khởi kiện ra tòa án. Trong hai năm 2011, 2012 đã hoàn chỉnh hồ sơ khởi kiện  14 doanh nghiệp. Bên cạnh đó BHXH tỉnh cũng đã ký quy chế phối hợp với Công an tỉnh trong việc xử lý các hành vi vi phạm chính sách BHXH, BHYT; ký quy chế phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT…

Để hạn chế đến mức thấp nhất số cơ quan, đơn vị nợ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN cũng như truy thu số tiền nợ thời gian qua thì các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành hữu quan cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT. BHXH tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố cần phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng và nợ đọng BHXH, BHYT kéo dài từ đó có các biện pháp xử phạt nghiêm minh. Đối với các cơ quan, đơn vị  cố tình nợ đọng và chiếm dụng tiền BHXH, BHYT của người lao động cần thu thập đủ chứng cứ và thực hiện khởi kiện ra tòa. Điều quan trọng nhất là mỗi doanh nghiệp, người lao động cần nâng cao ý thức, trách nhiệm tham gia BHXH, BHYT vì quyền lợi phát triển cho cơ quan, doanh nghiệp và của người lao động.
L.Đ-BBN
Top