khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ Tư, 10/04/2013 - 10:08

Gia Bình đào tạo nghề nông nghiệp cho phụ nữ

Trước quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng ở nhiều làng quê, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhất là phụ nữ đang đòi hỏi sự định hướng phù hợp về ngành nghề cũng như điều kiện áp dụng thực tế. Trong đó, đào tạo nghề nông nghiệp gắn với tình hình sản xuất tại địa phương cần được chú trọng để giúp chị em bám đất, bám làng và ổn định cuộc sống.

Gia Bình, một địa phương có diện tích đất canh tác lớn và chưa có nhiều khu công nghiệp tập trung, những năm qua, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn được các cấp chính quyền hết sức quan tâm. Nhờ đó, quy mô đào tạo nghề của huyện tăng nhanh cả về số lớp, số lao động và số nghề được đào tạo (chiếm khoảng 26 - 27 % số lao động học nghề cả tỉnh).

Bám sát kế hoạch thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Đề án 1956), các cơ sở dạy nghề Gia Bình đã mở 40 lớp đào tạo nghề nông nghiệp, phổ biến cho nông dân những kiến thức cần thiết về trồng trọt và chăn nuôi.  Riêng Trung tâm dạy nghề Gia Bình trong năm 2012 đã tổ chức 17 lớp, đưa vào những nghề nông nghiệp có hiệu quả cao như trồng nấm, trồng nghệ, trồng cây cảnh,...

Thông qua các cấp hội, đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, nhiều lớp dạy nghề được tổ chức cho đối tượng phụ nữ, với 1.055 chị em được tham gia đào tạo, độ tuổi trung bình trên 35 tuổi. Qua khảo sát thực tiễn cho thấy, sau các khóa đào tạo, kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp của các lao động nữ được nâng lên, nhờ đó khoảng 60 - 70% người học sau khi tốt nghiệp đã tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay, nhiều chị em mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất theo mô hình trang trại. Một số nghề trồng trọt mang lại giá trị kinh tế cao được chị em hưởng ứng như nghề trồng nghệ tại Ngăm Mạc đã góp phần không nhỏ trong công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Chị Trần Thị Hằng, thôn Tri Nhị, xã Song Giang là một hộ nghèo được tham gia chương trình dạy nghề chăn nuôi của Trung tâm dạy nghề Gia Bình từ năm 2007. Vận dụng những kiến thức học được từ lớp chăn nuôi thú y, chị đã chủ động chăm sóc gia cầm của gia đình và còn giúp đỡ tiêm phòng cho các hộ gia đình khác. Năm 2009, chị mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà đẻ trứng.

Chị cho biết: “Sau khi tham dự lớp học và có kiến thức, tôi đã biết cách chọn gà giống chất lượng tốt, tiêm phòng kịp thời. Nhờ vậy, khi có đợt dịch bệnh, gia đình hạn chế được thiệt hại tối đa và chưa bị mất trắng bao giờ”. Hiện nay, đàn gà 1.500 con của chị bao gồm cả gà giống và gà đẻ đều đặn mỗi ngày cho trung bình từ 80-100 trứng, lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng mỗi năm. Đến cuối năm 2012, nhờ nguồn thu nhập này, chị đã có tiền duy trì chữa bệnh cho chồng, nuôi 3 con ăn học và vươn lên thoát nghèo.

Nhìn từ thực tế, việc đào tạo nghề nông nghiệp cho đối tượng phụ nữ nông thôn cần chú trọng đến yếu tố cầm tay chỉ việc, do đó đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất để thực hành là hết sức quan trọng. Theo ông Nguyễn Quang Thụy, Giám đốc Trung tâm dạy nghề Gia Bình, việc dạy nghề cho phụ nữ nông thôn phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, bám sát tình hình thực tế của địa phương. Bởi phần đông người nông dân đều có tâm lý sợ mạo hiểm, ngại rủi ro, do đó, khi đưa vào một số nghề, đặc biệt là nghề nông nghiệp, nông dân không đầu tư cơ sở vật chất để sản xuất dẫn tới bỏ nghề đã học. Hiện tượng này từng xảy ra đối với một số lớp đào tạo nghề tiểu thủ công nghiệp như may mặc, mây tre đan… gây lãng phí thời gian và nhân công sau đào tạo. Do đó, điều kiện tiên quyết để chọn nghề đào tạo là phải phù hợp với công việc người lao động đang làm, với quy hoạch phát triển nông nghiệp của địa phương và kế hoạch sản xuất sau khi học của mỗi người lao động.
Huyền Thương-BBN
Top