khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ hai, 15/04/2013 - 08:55

Sự thật chuyện “cắt đê sông Ngũ Huyện Khê xây chợ”?

Vừa qua, trước một số thông tin, dư luận cho rằng đoạn đê sông Ngũ Huyện Khê thuộc địa bàn hai xã Phù Khê, Hương Mạc (Thị xã Từ Sơn, Tỉnh Bắc Ninh) bị “xẻ thịt” để xây chợ gỗ, vi phạm nghiêm trọng Pháp lệnh bảo vệ đê điều, gây cản trở giao thông và bức xúc trong nhân dân. Để hiểu rõ ngọn nguồn của sự việc này như thế nào, Báo Bắc Ninh đã cử phóng viên xuống trực tiếp điều tra, làm rõ.

I- Cải tạo đê chứ không có chuyện “xẻ thịt” đê

Cải tạo nguồn nước và kiên cố hóa đê sông Ngũ Huyện Khê là một chủ trương lớn của tỉnh Bắc Ninh nhằm khai thác tối đa lợi thế của dòng sông có điểm khởi đầu từ huyện Đông Anh (Hà Nội) chảy qua địa bàn 4 địa phương phát triển kinh tế sôi động nhất là Thị xã Từ Sơn, huyện Tiên Du, Yên Phong và Thành phố Bắc Ninh. Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cũng đã có văn bản đồng ý cho phép chỉnh trang, khai thác đa mục tiêu các đoạn sông phù hợp với việc xây dựng các khu dịch vụ làng nghề của tỉnh Bắc Ninh.
Đê sông Ngũ Huyện Khê đoạn đầu cầu Tấn Bào được cải tạo, nâng cấp bằng hệ thống kè taluy đá có mặt cắt đường giao thông rộng 12m đi trên mặt đê | bắc ninh
 Đê sông Ngũ Huyện Khê đoạn đầu cầu Tấn Bào được cải tạo, nâng cấp bằng hệ thống kè taluy đá có mặt cắt đường giao thông rộng 12m đi trên mặt đê.
 
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (9-7-1912 * 9-7-2012), tỉnh Bắc Ninh tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng các hạng mục công trình chào mừng (trong đó có dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 277 đoạn từ phường Đồng Kỵ đến Khu lưu niệm Nguyễn Văn Cừ tại thôn Phù Khê Thượng, xã Phù Khê, Thị xã Từ Sơn- PV). Thông qua việc chỉ định nhà thầu thi công dự án cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 277 là Công ty TNHH Đại An (Thị xã Từ Sơn) theo hình thức BT, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Thông báo kết luận số 175/TB-TU ngày 8-9-2011 về việc cho phép thực hiện cơ chế đặc thù đối với dự án trọng điểm.

Theo hồ sơ thiết kế, khi thực hiện thi công mở rộng, nâng cấp Tỉnh lộ 277, Công ty TNHH Đại An tiến hành xây dựng hệ thống tiêu thoát nước cho toàn bộ xã Phù Khê, Hương Mạc qua Trạm bơm Đồng Bèo bằng hệ thống kênh cứng bê tông hộp. Cùng với đó, toàn bộ diện tích đất thuộc bờ đê cũ phải san ủi để thi công đường dẫn nước ra bể hút Trạm bơm Đồng Bèo mới.

Trước yêu cầu kỹ thuật công trình, căn cứ vào đề nghị của nhà thầu và UBND Thị xã Từ Sơn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 19-1-2011, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có công văn số131/UBND-NN giao cho UBND Thị xã Từ Sơn chỉ đạo đơn vị thi công cắt đê để thi công đoạn kênh từ Tỉnh lộ 277 vào vị trí Trạm bơm mới.  Trên thực tế, đơn vị thi công cắt đê sông Ngũ Huyện Khê với chiều dài khoảng 150 m và thi công theo đúng hồ sơ, thiết kế đã được phê duyệt. Theo đó, Công ty TNHH Đại An phải thi công đoạn đê quai (sau khi Trạm bơm Đồng Bèo mới đi vào hoạt động thì đây sẽ là tuyến đê chính có mặt cắt đường rộng 12m, thân đê mới gia cố bằng hệ thống kè taluy đá hộc, bê tông để bảo đảm hoạt động giao thông của người dân- PV) từ đầu cầu Tấn Bào đến Trạm bơm Đồng Bèo mới vừa nhằm mục tiêu chống úng lụt trong mùa mưa bão vừa làm đường công vụ, đường tránh phục vụ quá trình thi công Tỉnh lộ 277.
 
Trạm bơm Đồng Bèo xây mới tại vị trí đường đê cũ | bắc ninh
Trạm bơm Đồng Bèo xây mới tại vị trí đường đê cũ.

Thực tiễn đã minh chứng trong mùa mưa bão 2012, hệ thống thoát nước mới qua Trạm bơm tạm Đồng Bèo đã phát huy hiệu quả tích cực, không hề xảy ra tình trạng úng ngập cục bộ ảnh hưởng đến sản xuất cũng như đời sống của người dân. Hơn nữa việc đắp đê quai sông Ngũ Huyện Khê cũng không hề ảnh hưởng đến lưu lượng dòng chảy cũng như công tác phòng chống lụt bão. Qua tìm hiểu thực tế của phóng viên Báo Bắc Ninh, chúng tôi nhận thấy: Cùng với việc xây dựng Trạm bơm Đồng Bèo mới, toàn bộ diện tích đê ở đây được gia cố bằng hệ thống kè taluy đá, đóng cọc bê tông chống xói lở. Việc nâng cấp, cải tạo mặt đê sông Ngũ Huyện Khê là hoàn toàn phù hợp với chủ trương xây dựng các khu dịch vụ làng nghề của tỉnh Bắc Ninh trên cơ sở được sự chấp thuận của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tại Công văn số 789/TCTL-QLCT ngày 12-8-2011 của Tổng Cục Thủy lợi-Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng ý với UBND tỉnh Bắc Ninh về việc: “Khảo sát, lập dự án trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trong lòng sông Ngũ Huyện Khê phải tuân theo Quy hoạch hệ thống thủy lợi Bắc Đuống nói riêng, phù hợp với quy hoạch thủy lợi tỉnh Bắc Ninh nói chung, đặc biệt lưu ý khả năng tiêu thoát lũ, an toàn công trình và hoạt động thường xuyên của hệ thống thủy lợi Ngũ Huyện Khê”. Trên cơ sở tính toán và tham mưu của cơ quan chuyên môn việc khảo sát lập dự án liên quan đến hành lang đê sông Ngũ Huyện Khê đều bảo đảm các thông số kỹ thuật về tiêu thoát lũ, phòng chống lụt bão cũng như xử lý ô nhiễm môi trường và phục vụ phát triển kinh tế của địa phương.

II- Đường có sang - làng mới thịnh

Có thể khẳng định, việc xây dựng tuyến đường đoạn từ cầu Tấn Bào vào Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ góp phần quan trọng tạo nên một diện mạo khu kinh doanh thương mại sầm uất của địa phương. Mặt khác, việc xử lý hệ thống tiêu thoát nước ngầm không chỉ tạo cảnh quan đô thị hiện đại mà còn đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công tác phòng chống lụt bão.
 

Theo đồ án quy hoạch khu dịch vụ làng nghề Phù Khê- Hương Mạc, sẽ có một tuyến giao thông mới đi trên mặt đê sông Ngũ Huyện Khê sau khi được cải tạo, gia cố bằng hệ thống đê kè bảo đảm công tác phòng chống lụt bão cũng như giao thông của người dân.

Trước thông tin: Doanh nghiệp lợi dụng việc “xẻ đê” để làm chợ gỗ và bịt hết lối đi của người dân hai xã Phù Khê, Hương Mạc, qua tìm hiểu thực tế của phóng viên Báo Bắc Ninh, chúng tôi được biết:  Ở đây không có chuyện dựng hàng rào “ngăn sông cấm chợ”. Chuyện người dân “bức xúc” vì không có đường đi lối lại để làm ăn hoàn toàn mang tính bịa đặt, ảnh hưởng tới uy tín của doanh nghiệp bởi trên thực tế khu chợ gỗ Phù Khê hiện tại nằm ngay trên trục đường 277, hệ thống đường xương cá trong chợ được kết nối liên hoàn với các khu dân cư của xã Phù Khê, Hương Mạc. Việc thi công đường dẫn nước vào bể hút Trạm bơm Đồng Bèo mới theo hồ sơ thiết kế đơn vị thi công bắt buộc phải san ủi tuyến đê cũ dài 150 m. Tuy nhiên, ngay tại vị trí đê cũ hiện nay (điểm tiếp giáp với Trạm bơm mới- PV) vẫn có đường kết nối vào khu chợ gỗ Phù Khê để các phương tiện tham gia giao thông qua lại bình thường. Mặt khác, theo Bản đồ điều chỉnh quy hoạch chia lô Khu dịch vụ làng nghề xã Phù Khê- Hương Mạc đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 924/QĐ- UBND ngày 18-7-2012 thì đơn vị Chủ đầu tư dự án phải thi công tuyến đường mới rộng 12m trên mặt đê mới gia cố bằng hệ thống kè taluy đá hộc, bê tông để bảo đảm hoạt động giao thông của người dân. Có thể khẳng định, cùng với chủ trương nâng cấp hệ thống kè mái đê, thi công tuyến đường giao thông mới trên mặt đê sông Ngũ Huyện Khê không chỉ góp phần cải tạo cảnh quan khu vực làng nghề, ô nhiễm môi trường lòng sông mà còn là động lực thúc đẩy kinh tế- xã hội các địa phương làng nghề phát triển.

III- Thay cho lời kết

“Trị thủy” để phát triển kinh tế- xã hội là ước mơ ngàn đời của cư dân nông nghiệp Việt Nam. Nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu đang tác động trực tiếp đến các quốc gia cũng như từng địa phương thì nhiệm vụ “Trị thủy” càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.

Mục tiêu lâu dài của tỉnh Bắc Ninh sẽ cải tạo, nâng cấp toàn tuyến đê cũng như lòng sông Ngũ Huyện Khê để không chỉ bảo đảm cảnh quan môi trường, phát triển kinh tế- xã hội mà còn biến dòng sông này thành lá phổi xanh, dòng sông du lịch, dòng sông văn hóa. Chủ trương này không chỉ nhận được sự đồng tình, ủng hộ của Tổng cục Thủy lợi- Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, mà còn được chính quyền, nhân dân các địa phương, nhất là khu vực các làng nghề truyền thống ủng hộ cao bởi sẽ khai thác được những giá trị kinh tế thiết thực của dòng sông này khi dự án hoàn thành và phát huy hiệu quả. Những bài học kinh nghiệm cũng như hạn chế được rút ra trong quá trình triển khai thí điểm chỉnh trang, khai thác đa mục tiêu các đoạn sông phù hợp với việc xây dựng các khu dịch vụ làng nghề chắc chắn được lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cũng như các địa phương liên quan xem xét, rút kinh nghiệm để đạt hiệu quả cao nhất trong các bước thực hiện tiếp theo.
Đào Đình Khoa-BBN
Top