khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ ba, 16/04/2013 - 08:50

Nỗ lực tạo nghề cho hội viên

Với nhiều gợi mở việc làm cho nông dân, những năm qua, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân Bắc Ninh đã trở thành người bạn đồng hành thân thiết của nhà nông, giúp nhiều người tìm ra hướng phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.


Lớp dạy nghề may công nghiệp được tổ chức trực tiếp tại nhà xưởng của HTX Toàn Phong thôn Du Tràng, xã Giang Sơn (Gia Bình).
 
Chia sẻ với chúng tôi, anh Trần Đăng Sâm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Giám đốc Trung tâm cho biết, hiện tại, Trung tâm chưa có một giáo viên biên chế chính thức nào. Việc điều động giáo viên đứng lớp còn gặp nhiều khó khăn do phải hợp đồng với các cơ sở dạy nghề trong toàn tỉnh. Vì vậy, để các lớp học được diễn ra kịp thời, Trung tâm đã mời giáo viên từ trường Đại học Nông nghiệp, các cán bộ Khuyến nông, đến những hộ sản xuất, kinh doanh thành công, các nghệ nhân có nhiều kinh nghiệm. Tất cả những giáo viên này đều có chứng chỉ dạy nghề của Sở LĐTB&XH với giáo trình biên soạn đã được thẩm định. Hơn thế, mỗi giáo viên lại chủ động bổ sung và đổi mới nội dung, chương trình đào tạo theo sát nhu cầu thực tế của từng nghề và nhu cầu của địa phương.

Chính sự tâm huyết của những người tham gia giảng dạy đã đem đến sự thay đổi lớn trong nhận thức cũng như cuộc sống của học viên. Trong suốt những năm qua, thầy Đoàn Hồng Phương, một cán bộ Trung ương Hội Nông dân về hưu đã hết mình với việc truyền đạt kỹ thuật chăn nuôi cho nông dân Bắc Ninh. Mỗi buổi dạy thầy đều lặn lội từ Hà Nội sang Bắc Ninh nhưng chưa một lần đến lớp muộn. Để học viên dễ hiểu dễ nhớ, phương pháp của thầy là nhờ nông dân dạy nông dân, thông qua những người chăn nuôi tốt để truyền đạt kinh nghiệm cho những người chưa biết, trên cơ sở đó thầy sẽ tổng kết, đúc rút ra bài học. Thầy chia sẻ: “Dạy nghề cho nông dân không phải dạy theo giáo án hết khóa học là xong. Sau khi kết thúc lớp học, bất cứ ai có vướng mắc gọi điện hỏi, tôi đều chỉ bảo cặn kẽ, dần dần mình cũng trở thành người bạn của nhà nông. Để rồi đôi khi, chính tôi cũng học được từ họ rất nhiều điều”.

Xác định công tác dạy nghề nông dân chú trọng yếu tố cầm tay chỉ việc, Trung tâm dạy nghề và Hỗ trợ nông dân Hội Nông dân đã quan tâm đầu tư tới phương thức dạy nghề. Các lớp học thường xuyên được tổ chức tại địa phương, phù hợp với thời vụ, để nông dân có thể tham dự đầy đủ. Mỗi lớp trung bình từ 30-35 người, trong đó một nửa thời gian học lý thuyết, còn lại là thời gian đi tham quan, thực hành trình diễn tại những mô hình trang trại sản xuất có hiệu quả. Đối với các nghề phi nông nghiệp, nông dân được cung cấp trang thiết bị, mẫu mã, nguyên liệu tại các xưởng sản xuất để yên tâm học tập. Sau đó, Hội Nông dân phối hợp với HTX, với các doanh nghiệp trên địa bàn đứng ra thu mua  sản phẩm cho nông dân.

Không ngừng cố gắng, trong 3 năm qua, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân Bắc Ninh đã trực tiếp tổ chức 25 lớp sơ cấp nghề cho 767 lao động nông thôn, tập trung vào các nghề trồng trọt, chăn nuôi - thú y, mây tre đan xuất khẩu, may công nghiệp. Theo đánh giá sơ bộ, 70% các học viên sau khi được dạy nghề đã có việc làm. Các lớp nghề nông nghiệp đã giúp nông dân chủ động phòng trừ dịch bệnh, chăm sóc vật nuôi, cây trồng tốt hơn. Đối với các nghề tiểu thủ công nghiệp, nhiều người đã tự tạo sản phẩm trong lúc nông nhàn, thậm chí có thu nhập cao như làng mây tre đan xã Lạc Vệ (huyện Tiên Du), xã Nghĩa Đạo (huyện Thuận Thành)...

Một tín hiệu vui cho công tác dạy nghề nông dân Bắc Ninh là tháng 5-2012, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án tổ chức bộ máy, biên chế của Trung tâm. Theo đó sẽ có các chỉ tiêu biên chế cho giáo viên nhằm đảm bảo đội ngũ giảng dạy của Trung tâm. Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh đang lập đề án nâng cấp, cải tạo, mua sắm trang thiết bị trụ sở Trung tâm với việc xây dựng nhà xưởng, nhà thực hành, nhà ăn một cách quy củ. Những sự thay đổi đó chắc chắn sẽ tạo bước tiến lớn trong công tác dạy nghề cũng như hỗ trợ nông dân toàn tỉnh theo hướng sâu rộng hơn.
Bài, ảnh: Thương Huyền-BBN
Top