Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Thúy: Thực hiện Nghị quyết Đại hội V Hội Nông dân Việt Nam và Nghị quyết Đại hội VII Hội Nông dân tỉnh, BCH Hội Nông dân tỉnh đã chủ động, sáng tạo, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân đoàn kết, phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ 2008 - 2013 đề ra.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thuý, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh tặng quà cho hội viên nông dân nghèo huyện Tiên Du.
PV: Vậy, những kết quả nổi bật của công tác xây dựng Hội vững mạnh và tổ chức các phong trào nông dân thi đua yêu nước là gì?
Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Thúy: Trong nhiệm kỳ, các cấp Hội toàn tỉnh đã kết nạp được 32.051 hội viên mới, nâng tổng số hội viên lên 161.284 hội viên, chiếm 84,6% so với tổng số hộ nông nghiệp. 100% Chi Hội xây dựng được quỹ hoạt động với tổng số quỹ đạt trên 11,128 tỷ đồng, bình quân 69.000đồng/hội viên (vượt kế hoạch Đại hội 38%). Các cấp Hội đã tổ chức được trên 14.900 buổi tuyên truyền cho trên 1.219.000 lượt hội viên, nông dân; tổ chức các đợt học tập các Chỉ thị, Nghị quyết... đã thu hút trên 90% cán bộ Hội và trên 85% hội viên tham gia...
Các
phong trào thi đua yêu nước được đẩy mạnh, nổi bật nhất là phong trào
thi đua sản xuất kinh doanh giỏi (sxkd) đã và đang được phát triển cả bề
rộng và chiều sâu, có sức lan toả trong tất cả các lĩnh vực sản xuất
nông nghiệp, ngư nghiệp, TTCN và dịch vụ. Trong nhiệm kỳ đã có 451.032
lượt hộ hội viên đăng ký và có 350.444 lượt hộ đạt danh hiệu sxkd giỏi
các cấp (đạt 77,7% so với hộ đăng ký), trong đó hộ đạt danh hiệu cấp
Trung ương là 7.100 lượt hộ, cấp tỉnh 21.306 lượt hộ, cấp huyện và cơ sở
là 322.038 lượt hộ. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh xuống
còn 4,27% năm 2012 (theo tiêu chí mới).
Phát
động mạnh mẽ phong trào “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới” với
nhiều hoạt động thiết thực và hiệu quả. Nổi bật là mỗi năm vận động nông
dân toàn tỉnh đóng góp trên 10 nghìn ngày công lao động và hàng chục tỷ
đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; Phối hợp tổ chức các phong
trào thi đua gắn với tham gia phát triển KT- XH địa phương, thông qua
việc thành lập và duy trì hoạt động có hiệu quả 389 Câu lạc bộ với
17.087 hội viên tham gia (tăng 101 CLB so với đầu nhiệm kỳ). Bình quân
hàng năm có trên 140 ngàn hộ hội viên, nông dân đăng ký và có trên 85%
số hộ nông dân đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá”. Phong trào nông dân
tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh cũng được đẩy mạnh với kết quả nổi
bật là đã phối hợp vận động, giúp đỡ, cảm hoá 55.440 đối tượng phạm tội
trở thành công dân có ích cho xã hội...
PV: Được
biết, Hội Nông dân tỉnh đã làm tốt công tác hỗ trợ hội viên phát triển
sxkd, đồng chí có thể cho biết cụ thể hơn vấn đề này?
Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Thúy:
Được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác Hội
nên những năm qua Hội Nông dân tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh mở rộng các
hoạt động dịch vụ, dạy nghề, tư vấn, hỗ trợ nông dân về giống, vốn và
KHKT, góp phần giải quyết việc làm, phát triển sxkd cho các hộ nông dân.
Điển hình là trong nhiệm kỳ, Hội Nông dân các cấp đã phối hợp tổ chức
được 729 lớp học nghề cho 21.870 học viên, các học viên sau khi được đào
tạo nghề, tỷ lệ có việc làm đạt trên 70%.
Công
tác phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân được đẩy mạnh, đến nay tổng nguồn
vốn toàn tỉnh đạt 13,956.884 tỷ đồng, hiện đang giải ngân cho trên 1.500
hộ nông dân vay để đầu tư phát triển sxkd, góp phần giải quyết việc làm
cho trên 3.000 lao động. Hội Nông dân tỉnh cũng đã phối hợp với Ngân
hàng CSXH và Ngân hàng NN&PTNN tín chấp cho nông dân vay vốn với dư
nợ đến hết năm 2012 là 463,293 tỷ đồng, cho 30.652 hộ vay (tăng 296,183
tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ)...
Cùng
với hỗ trợ nông dân về vốn, các cấp Hội đã phối hợp với các đơn vị cung
ứng phân bón cho nông dân theo hình thức trả chậm với số lượng mỗi năm
hàng nghìn tấn, trị giá hàng chục tỷ đồng. Đặc biệt, Hội đã bước đầu
phối hợp với các doanh nghiệp triển khai “Sàn kết nối cung cầu nông
nghiệp thực phẩm” giúp nông dân tiêu thụ nông sản, đồng thời được cung
cấp thông tin về giá cả thị trường tạo định hướng cho sxkd của nông dân
phát triển bền vững...
PV: Với những thành tựu nổi bật trong nhiệm kỳ qua, nhiệm kỳ 2013-2018 này Hội Nông dân tỉnh sẽ đề ra những định hướng và giải pháp chủ yếu nào nhằm nâng cao chất lượng công tác Hội và phong trào nông dân?
Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Thúy:
Với phương châm hành động là “Đoàn kết, sáng tạo, đổi mới nội dung,
phương thức hoạt động”, trong nhiệm kỳ 2013-2018 này, Hội Nông dân tỉnh
sẽ tập trung các giải pháp xây dựng tổ chức Hội các cấp vững mạnh toàn
diện, thực sự là trung tâm, nòng cốt cho các phong trào nông dân và công
cuộc xây dựng NTM (Các chỉ tiêu chủ yếu nhiệm kỳ 2013-2018).
Muốn
vậy thì các cấp Hội cần chủ động tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền
trong việc chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kết luận
số 61 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 673 của Thủ tướng
Chính phủ. Từ đó, đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng bằng
nhiều hình thức phong phú, đa dạng và hiệu quả, từng bước nâng cao trình
độ, nhận thức của cán bộ, hội viên và tạo niềm tin, sự đồng thuận với
Đảng và Nhà nước trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Tăng
cường củng cố, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh toàn diện cả về chính trị,
tư tưởng, tổ chức và không ngừng đổi mới phương thức hoạt động. Tiếp
tục phát triển sâu rộng và hiệu quả các phong trào thi đua, nhất là
phong trào nông dân thi đua sxkd giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giầu và
giảm nghèo bền vững, thông qua việc tăng cường mở rộng các loại hình
hoạt động tư vấn, dịch vụ hỗ trợ nông dân sxkd. Đồng thời tiếp tục đẩy
mạnh phong trào nông dân thi đua xây dựng NTM và phong trào nông dân
tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tạo điều kiện để Hội Nông dân tham
gia xây dựng Đảng, chính quyền các cấp trong sạch vững mạnh...
Với
tinh thần “Nông dân Bắc Ninh đoàn kết, sáng tạo, chung sức xây dựng
nông thôn mới, phát triển và hội nhập”, Đại hội Đại biểu Hội Nông dân
tỉnh lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2013-2018 sẽ thực sự là dịp để toàn thể cán
bộ, hội viên và nông dân trong tỉnh tăng cường tinh thần đoàn kết, ra
sức sáng tạo, phát huy tiềm năng, thế mạnh và trí tuệ để chung sức xây
dựng tổ chức Hội vững mạnh, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được
giao, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Hội Nông dân trong công cuộc
CNH, HĐH, xây dựng và phát triển quê hương, đất nước ngày càng giàu
mạnh, văn minh.
THÀNH TÍCH TRONG NHIỆM KỲ 2008-2013 CỦA CÁC CẤP HỘI NÔNG DÂN BẮC NINH * Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba * Thủ tướng Chính phủ tặng 2 Bằng khen, 1 Cờ Thi đua của Chính phủ * Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng 871 Kỷ niệm chương “Vì giai cấp nông dân Việt Nam” cho lãnh đạo, cán bộ Hội; 80 Bằng khen cho các tập thể, cá nhân * UBND tỉnh tặng: 1 Cờ thi đua, 93 Bằng khen, công nhận 2 tập thể Lao động xuất sắc, 2 Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh * Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh tặng 213 Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào nông dân.
CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU NHIỆM KỲ 2013 – 2018 - Hằng năm, trên 95% cán bộ, hội viên nông dân được tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của tỉnh và Nghị quyết của Hội - 87% số hộ nông dân có hội viên nông dân - 100% Hội Nông dân cấp huyện và trên 95% tổ chức cơ sở Hội đạt khá và vững mạnh, không có cơ sở Hội yếu kém - 80% cán bộ chủ chốt ở cơ sở có trình độ chuyên môn đạt chuẩn theo qui định; 80% cán bộ Chi, tổ Hội và 100% cán bộ Hội cơ sở được bồi dưỡng, tập huấn về lý luận và nghiệp vụ công tác Hội - 100% Chi Hội có số dư Quỹ hội bình quân đạt 75.000đ trở lên/hội viên - 100% cơ sở có Quỹ Hỗ trợ nông dân, mức tăng trưởng Quỹ HTND từ 20%/năm trở lên - Hằng năm, có trên 60% số hộ nông dân đăng ký và trên 65 % số hộ đăng ký đạt danh hiệu hộ “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” các cấp - Hằng năm, có trên 90% số hộ nông dân đăng ký và trên 85% số hộ đăng ký đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá” - Trực tiếp và phối hợp đào tạo, dạy nghề cho 18.000 - 20.000 lượt người, tỷ lệ có việc làm đạt trên 70% - 50% Chi Hội có “Tủ sách nhà nông” - 100% Hội Nông dân cấp huyện và 85% Hội Nông dân cấp xã tổ chức được hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân có hiệu quả - 80% Hội Nông dân cấp xã hướng dẫn, tổ chức nông dân xây dựng được ít nhất một mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả. |
Hướng
về Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2013-2018,
cùng với đẩy mạnh các phong trào thi đua, tổ chức nhiều chương trình,
hành động thiết thực, cán bộ hội viên nông dân tỉnh đã gửi gắm nhiều tâm
tư, nguyện vọng. Sau đây là một số ý kiến tâm huyết.
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội
(Ông Nguyễn Đình Khương, Huyện ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tiên Du)
Với
mục tiêu phấn đấu cơ bản trở thành huyện công nghiệp năm 2015, Hội Nông
dân Tiên Du đã có nhiều thành tích trong việc tuyên truyền vận động Hội
viên thực hiện tốt chính sách của Đảng, Nhà nước, vận động nông dân
chung sức xây dựng Nông thôn mới; phối hợp với Ngân hàng CSXH, Ngân hàng
Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ vốn cho nông dân đầu tư sản xuất, phát triển
kinh tế; đào tạo các nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cho nông
dân khi diện tích ruộng đất bị thu hẹp.
Đại
hội Hội Nông dân tỉnh lần thứ VIII là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng
cho các hội viên Hội Nông dân trong toàn tỉnh, vì vậy tôi mong muốn đại
hội sẽ thành công tốt đẹp để phong trào nông dân ngày càng vững mạnh.
Ngoài ra tôi cũng hy vọng Đại hội lần này sẽ có một sự thay đổi tích cực
trong đội ngũ cán bộ Hội. Bởi tổ chức Hội được nâng cao chính là nền
tảng để các phong trào, nhiệm vụ của Hội được hoàn thành tốt, đáp ứng
nhiệm vụ kinh tế-xã hội giai đoạn hiện nay, từ đó góp phần nâng cao chất
lượng CNH-HĐH nông thôn.
Nhiều kế hoạch, mô hình phát triển kinh tế cho Hội viên
(Ông Nguyễn Văn Hảo, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Đạo, huyện Thuận Thành)
Là
một xã thuần nông, Hội Nông dân xã Nghĩa Đạo đóng vai trò rất lớn đối
với việc đoàn kết các thế hệ nông dân và giúp nông dân cùng nhau phát
triển kinh tế. Hội Nông dân xã đã tích cực làm cầu nối giữa các doanh
nghiệp và người nông dân, bảo đảm đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông
nghiệp của địa phương, điển hình như việc bao tiêu thu mua dưa chuột,
xây dựng cánh đồng mẫu lớn lúa nếp Phu thê…
Đặc
biệt, Hội Nông dân Nghĩa Đạo còn phối hợp với Trung tâm dạy nghề và Hỗ
trợ nông dân tỉnh đào tạo nghề mây tre đan cho các hội viên trong lúc
nông nhàn và đến nay, nhiều hộ có thu nhập khá. Vì vậy, chúng tôi chờ
đợi Đại hội Hội Nông dân lần thứ VIII sẽ đưa ra được nhiều kế hoạch giúp
nông dân phát triển kinh tế, như xây dựng các mô hình nông nghiệp, thủy
sản có hiệu quả, tập huấn khoa học kỹ thuật phù hợp với nhu cầu của
từng địa phương, hỗ trợ bao tiêu nông sản…
Kết nối nhu cầu việc làm giữa doanh nghiệp và nông dân
(Bà Hoàng Thị Câu, Giám đốc Công ty TNHH Sơn mài Đình Bảng, TX Từ Sơn)
Mặc
dù mới gia nhập Hội Nông dân được vài năm nhưng tôi cũng như công ty
của gia đình đã nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp Hội. Đặc biệt,
đối với ngành nghề thương mại, dịch vụ như chúng tôi, nguồn vốn là rất
quan trọng. Trong tình hình kinh tế khó khăn, các cấp Hội đã được tin
tưởng và duy trì cho gia đình tôi vay vốn làm ăn. Vì vậy, bản thân tôi
luôn phấn đấu để phát huy có hiệu quả đồng vốn và sự tin tưởng của Hội.
Nhiệm
kỳ mới của Hội Nông dân, tôi rất mong muốn sẽ có thêm nhiều chương
trình hướng nghiệp dạy nghề tiểu thủ công nghiệp cho nông dân. Bởi thực
tế, gia đình tôi cần rất nhiều nhân công trong lĩnh vực này, trong khi
nhiều nông dân lại thiếu việc làm để tăng thêm thu nhập. Trước tình hình
một số ngành nghề truyền thống đang bị mai một dần đi, Hội Nông dân nên
trở thành nơi gắn kết nhu cầu giữa doanh nghiệp địa phương và người
nông dân, song song với việc đào tạo các nghề kỹ thuật cao cho các doanh
nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh.
Tổ chức Hội là chỗ dựa vững chắc của bà con nông dân
(Chị Trần Thị Dung, một trong những hộ sản xuất kinh doanh giỏi ở xã Trung Chính, huyện Lương Tài)
Nhờ
được sự hỗ trợ, quan tâm của Hội Nông dân, tạo điều kiện cho vay vốn
đầu tư vào sản xuất, nuôi trồng và giúp đỡ về khoa học kỹ thuật, tôi
cùng nhiều hộ nông dân ở địa phương đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu
chính đáng trên mảnh đất quê hương mình. Các cấp Hội đã tích cực vận
động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát huy tiềm năng,
thế mạnh của từng vùng, dẫn đến số hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất
kinh doanh giỏi trên địa bàn ngày càng tăng lên, những trang trại chăn
nuôi gia súc, gia cầm không ngừng được nhân rộng. Những hoạt động thiết
thực của các cấp Hội đã được bà con nông dân ghi nhận và tổ chức Hội đã
trở thành chỗ dựa vững chắc của bà con.
Trong nhiệm kỳ tới, chúng tôi mong muốn tổ chức Hội tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, trở thành cầu nối giữa “4 nhà”: nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân. Cùng với đó là đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ dạy nghề nhằm đáp ứng nhu cầu và quyền lợi thiết thực của hội viên và có những chính sách tốt hơn nữa để phát huy tối đa hiệu quả của nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân, tạo điều kiện cho bà con nông dân vay vốn phát triển sản xuất.