khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ hai, 22/04/2013 - 09:51

Môi trường các làng nghề và giải pháp phát triển bền vững

Hoạt động sản xuất kinh doanh tại các làng nghề đã góp phần nâng cao đời sống nhân dân, giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, ô nhiễm môi trường đang là một vấn đề bức xúc cần có những giải pháp khắc phục theo hướng phát triển bền vững.


Làng nghề tre trúc Xuân Lai
Làng nghề tre Xuân Lai(Gia Bình) cũng nằm trong tình trạng bị ô nhiễm.
 
Qua khảo sát của Sở Tài nguyên và Môi trường tại 51 làng nghề ở 32 xã (không bao gồm làng nghề tại các phường) cho thấy ô nhiễm môi trường ở mức độ trung bình và nghiêm trọng chiếm tới 76,5% (39 làng nghề). Cụ thể, môi trường không khí trong các khu vực sản xuất có dấu hiệu ô nhiễm diện rộng ở tất cả các làng nghề, đặc biệt là Văn Môn, Phong Khê, Đại Lâm… Các chỉ số ô nhiễm: bụi, CO vượt quy chuẩn cho phép 1 - 2 lần, tiếng ồn vượt 10 - 20 dB (dexiben), nhiệt độ (có thời điểm) cao đến hơn 400C. Hiện trạng nước mặt, nước ngầm, cũng bị ô nhiễm, có chỉ số vượt quy chuẩn cho phép đến 69 lần. Trong khi đó, môi trường nước thải tại các vị trí lấy mẫu cho thấy mức độ ô nhiễm khá cao ở thông số hữu cơ và kim loại…

Về ô nhiễm chất thải rắn, tổng lượng rác phát sinh tại các xã có làng nghề khu vực nông thôn khoảng 75.818 tấn/năm. Chủ yếu là rác thải sinh hoạt, nông nghiệp và công nghiệp phát sinh từ các cơ sở sản xuất trong làng nghề. Tuy nhiên, tỷ lệ thu gom rác thải ở các địa phương không đồng đều, có huyện tỷ lệ thu gom còn thấp. Ô nhiễm đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, đời sống nhân dân. Tại các làng tỷ lệ người mắc các chứng bệnh về tai - mũi - họng tương đối cao bệnh cao huyết áp và gan nhiễm mỡ cũng khá phổ biến.

Trong khi đó, công tác quản lý môi trường tại các làng nghề chưa hiệu quả. Nguyên nhân chính, xuất phát từ nhận thức và trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp còn hạn chế. Chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm và trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường cấp xã chưa đáp ứng được yêu cầu. Ngoài ra, vấn đề quy hoạch hệ thống cơ sở hạ tầng, tiêu thoát nước chưa được đồng bộ, khoa học. Hệ thống ao, hồ sinh thái ngày càng thu hẹp, một số cơ sở sản xuất, chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn xen kẽ khu dân cư, các chất thải không qua xử lý xả thẳng vào môi trường xung quanh cũng là những tác nhân làm vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn thêm trầm trọng…

Để từng bước giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực làng nghề, nâng cao đời sống, sức khỏe nhân dân, cần có những giải pháp tổng thể, đồng bộ có tính bền vững. Về lâu dài, việc quy hoạch không gian làng nghề phải gắn được với nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Trong đó, quy hoạch xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp tập trung và di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm. Mạnh dạn quy hoạch theo hướng lồng ghép các hoạt động du lịch với sản xuất làng nghề sinh thái.

Hiện tại, đối với các làng nghề đang hoạt động cần tích cực triển khai hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, đồng thời áp dụng công nghệ giảm thiểu, tái chế, xử lý chất thải… Riêng đối với các làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, phải có quy chế quản lý đặc thù, áp dụng biện pháp chế tài cứng rắn xử lý vi phạm và xây dựng cơ chế hỗ trợ đầu tư xử lý môi trường tập trung cũng như kế hoạch di dời các cơ sở ô nhiễm ra khỏi khu dân cư…
Bài, ảnh: Hoàng An-BBN
Top