Thứ sáu, 26/04/2013 - 08:54
Kim Đôi -Rạng danh đất học
Câu ca dân gian lưu truyền đến ngày nay đã nói lên truyền thống khoa bảng rực rỡ của “làng Tiến sĩ” Kim Đôi, xã Kim Chân, Thành phố Bắc Ninh.
“Kim Đôi nhiều cuộc hiển vinh
Hai mươi lăm vị khoa danh rỡ ràng”
Vùng Kinh Bắc vốn được biết đến như một miền đất học với số lượng lớn các danh nhân khoa bảng, đứng đầu các địa phương trong cả nước thời phong kiến về số người đỗ Tiến sỹ, Trạng nguyên. Kinh Bắc là nơi sinh thành, nuôi dưỡng, cung cấp số lượng lớn nhân tài cho đất nước trên nhiều lĩnh vực. Đóng góp vào truyền thống đáng tự hào đó phải kể đến làng Kim Đôi với 25 vị đỗ Tiến sỹ qua các triều đại phong kiến.
Làng Kim Đôi trước đây còn có tên gọi dân gian là Dủi Quan. Có tên gọi đó là do dân làng sống bằng nghề dủi tôm dủi cá nhưng vẫn có nhiều người đỗ đạt làm quan.
Tạo dựng nên kỳ tích về khoa cử cho làng Kim Đôi phải kể đến 2 dòng họ: Phạm, Nguyễn. Trong số 25 vị Tiến sỹ làng Kim Đôi thì có 7 vị thuộc họ Phạm, 18 vị thuộc họ Nguyễn. Họ Nguyễn ở Kim Đôi là dòng họ duy nhất tại Việt Nam có tới 13 đời liên tiếp đỗ đại khoa, trong đó có 9 anh em, chú cháu cùng làm quan đại thần một triều. Ca ngợi tài năng của con cháu họ Nguyễn làng Kim Đôi, Vua Lê Thánh Tông đã ban cho 8 chữ vàng: “Kim Đôi gia thế chu tử mãn triều” (dòng họ Kim Đôi áo đỏ áo tía đầy triều). 2 vị Tiến sĩ là Nguyễn Nhân Bị và Nguyễn Nhân Phùng còn tham gia Hội Tao đàn do vua Lê Thánh Tông làm chủ hội, được khắc tên vào bia Văn Miếu Thăng Long.
Một điều gây ngạc nhiên khi tìm hiểu về truyền thống khoa bảng tại làng Kim Đôi đó là có gia đình 5 anh em ruột đều đỗ Tiến sĩ và làm quan dưới triều vua Lê Thánh Tông, giữ những trọng trách Quốc gia (Nguyễn Nhân Bị, Nguyễn Nhân Thiếp, Nguyễn Nhân Phùng, Nguyễn Nhân Đạc, Nguyễn Nhân Dư). Trong các dòng họ ở Việt Nam không họ nào đạt được thành tích vẻ vang đến thế.
Họ Nguyễn làng Kim Đôi cũng là dòng họ có nhiều người đỗ đại khoa khi tuổi còn trẻ. Nguyễn Nhân Thiếp đỗ Tiến sĩ lúc 15 tuổi, Nguyễn Nhân Dư đỗ tiến sĩ lúc 17 tuổi. Còn Tiến sĩ tuổi từ 18-21 có đến hơn chục vị.
Với truyền thống khoa cử rực rỡ cùng với 18 vị Tiến sĩ ghi danh bảng vàng, nhà thờ tổ họ Nguyễn ở Kim Đôi đã vinh dự được Nhà nước công nhận di tích Lịch sử văn hoá.
Truyền thống khoa bảng của làng Kim Đôi đã trở thành một đề tài cuốn hút đối với các nhà nghiên cứu lịch sử và văn hoá trong và ngoài nước. Xưa kia, dân gian cho rằng làng Kim Đôi khoa bảng rực rỡ là do có “Long mạch vượng”. Lại có người giải thích rằng họ Phạm và họ Nguyễn đều dựng đền thờ hướng Tây, phía trước trông xa có ngọn núi Tam Thai giống như văn bút chấm mực xuống sông Cầu nên con cháu 2 họ nhiều người được hiển vinh.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng truyền thống khoa bảng ở Kim Đôi có thể giải thích bằng những lý lẽ duy vật. Trước hết là do tố chất thông minh của các thế hệ con cháu 2 họ Phạm, Nguyễn. Tuy vậy, nguyên nhân chủ yếu mang đến công thành danh toại cho các vị Tiến sĩ đó là truyền thống giáo dục, sự quan tâm, chính sách khuyến học của các gia đình, dòng họ. Tấm bia đá trong nhà thờ họ Nguyễn do Trạng nguyên Lương Thế Vinh biên soạn năm 1484 có đoạn nói về sự quan tâm chăm sóc con cái của bà Hoàng Thị Hay - người mẹ có 5 con đỗ Tiến sỹ như sau: “Con đi học xa, áo chưa rách đã bảo người nhà may sẵn cho, sợ bị cảm lạnh mà tổn hại đến việc học. Thức ăn chưa hết đã bảo người nhà mang đến, sợ bị đói mà tổn hại đến việc học. Các con cảm động vì tình nghĩa giáo huấn của cha mẹ nên dốc lòng tu chí về nghiệp học mà thành danh”.
Bên cạnh đó, tục lệ làng xã cũng động viên, khuyến khích Nho sinh cả về vật chất lẫn tinh thần. Làng Kim Đôi trước đây có ruộng khuyến học dành cho người đỗ Tiến sĩ trở lên. Văn chỉ hàng huyện có quy định: Người dự tế phải có chức danh, học vị. Nếu không, dù quan chức gì cũng không được vào tế.
Ngày nay, phát huy truyền thống hiếu học của cha ông, với quyết tâm nhân lên thành tích khoa cử rực rỡ của quê hương, dòng tộc, các thế hệ con cháu “làng Tiến sĩ” vẫn không ngừng học tập và rèn luyện, cống hiến tài năng, trí tuệ cho đất nước trên mọi lĩnh vực. Hiện nay, làng có hàng trăm người là cử nhân, kỹ sư, bác sỹ, hàng chục tiến sỹ và thạc sỹ. Hàng năm, các dòng họ đều tiến hành tuyên dương, khen thưởng, vinh danh những người đỗ đạt cao để khuyến khích con cháu học hành. Hy vọng rằng, dưới ánh hào quang chói lọi trong khoa bảng của các thế hệ tiền nhân, con cháu Kim Đôi nói riêng và Bắc Ninh nói chung sẽ viết tiếp những trang vàng rực rỡ, làm rạng danh đất học Kinh Bắc.
Hải Yến