khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ sáu, 26/04/2013 - 16:33

Du lịch làng nghề- Tiềm năng cần đánh thức

Với hơn 60 làng nghề, trong đó có 31 làng nghề truyền thống, Bắc Ninh có tiềm năng rất lớn để phát triển hình thức du lịch văn hóa tổng hợp đưa khách tới tham quan, cảm nhận các giá trị văn hóa và mua sắm sản phẩm đặc trưng của làng nghề. Tuy nhiên, hầu hết các làng nghề hiện nay đang làm du lịch một cách khá manh mún, chưa có sự đầu tư bài bản do đó gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu hút du khách.


du lich lang nghe tranh dong ho
Khách du lịch chọn mua tranh tại làng tranh Đông Hồ.


Tiềm năng lớn

Bắc Ninh từ lâu đã nổi tiếng cả nước với nhiều làng nghề truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm, làm ra những sản phẩm thủ công tinh xảo, độc đáo. Hầu hết các làng nghề hiện nay vẫn còn lưu giữ được các phong tục tập quán, các di tích lịch sử – văn hoá ghi đậm dấu ấn bản sắc vùng Kinh Bắc xưa. Ngoài ra, hàng loạt điều kiện phụ trợ như: nằm dọc các trục giao thông lớn, liền kề với những di tích lịch sử - văn hoá, khu vực có tổ chức lễ hội… khiến các làng nghề thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn cho các tour du lịch văn hóa, cộng đồng.

Khai thác những thế mạnh đó, nhiều đơn vị lữ hành ở Bắc Ninh đã mở các tour du lịch kết hợp thăm các điểm di tích lịch sử nổi tiếng như: Đền Đô, chùa Phật Tích, chùa Dâu, chùa Bút Tháp… với một số làng nghề tiêu biểu như: tương Đình Tổ, gỗ Đồng Kỵ, gốm Phù Lãng, đúc đồng Đại Bái, tranh Đông Hồ... Sự kết hợp này đã tạo ra những điểm nhấn thú vị, góp phần làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch và quảng bá rộng rãi văn hóa, con người Bắc Ninh. Tuy nhiên trên thực tế, du lịch làng nghề ở Bắc Ninh vẫn chưa thực sự phát huy được hiệu quả như mong đợi, nhiều làng nghề gần như bị bỏ quên hoặc vắng bóng du khách dù đã có tên trong sản phẩm tour của các hãng lữ hành.

Hoạt động thiếu bài bản

Công ty du lịch Thanh Niên là một trong những đơn vị lữ hành đầu tiên đưa làng nghề vào các tour du lịch tại Bắc Ninh. Hàng năm, công ty vẫn đều đặn tổ chức tour và có các hình thức giới thiệu, quảng cáo nhưng số lượng khách đặt tour dạng này vẫn rất khiêm tốn. Ông Đào Văn Kiên, Giám đốc công ty cho biết: “Sở dĩ du khách không mấy hào hứng với các tour du lịch làng nghề một phần cũng bởi các làng nghề ở Bắc Ninh làm du lịch còn manh mún, chưa biết cách khai thác thế mạnh, tiềm năng của mình. Ví dụ như làng gốm Phù Lãng, xét về mặt thương hiệu không thua kém làng gốm Bát Tràng là mấy nhưng cách làm du lịch thì khác xa nhau. Ngoảnh đi ngoảnh lại cả làng cũng chỉ có hai cơ sở sản xuất là gốm Nhung và gốm Thiều. Chúng tôi thường phải liên hệ trực tiếp trước với hai cơ sở này trước khi dẫn khách về. Ngay cả những sản phẩm mua làm quà lưu niệm cũng phải đặt trước nếu không lựa chọn sẽ rất nghèo nàn. Đây là một hạn chế rất lớn bởi quà lưu niệm là một trong những yếu tố quan trọng thu hút du khách khi đến thăm các làng nghề”.

  san pham thu cong lang nghe hut khach du lich
Sản phẩm thủ công là một trong những yếu tố quan trọng thu hút khách du lịch tới làng nghề.


Hay như làng tranh Đông Hồ, dù đã được đầu tư xây dựng theo hướng phục vụ du lịch với không gian tạo tác, trưng bày, bán sản phẩm riêng biệt nhưng đội ngũ hướng dẫn viên rất thiếu. Tranh Đông Hồ là một loại hình mang nhiều tính nghệ thuật, nếu không có người thuyết minh một cách tường tận thì du khách khó lòng cảm nhận được cái hay, cái đẹp của sản phẩm dẫn đến tâm lý xem qua loa rồi bỏ đi. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều làng nghề khác khi mà chính quyền và người dân chưa thực sự coi trọng một cách đúng mức thế mạnh du lịch của địa phương. Cách làm du lịch manh mún, dịch vụ nghèo nàn khiến du khách thấy đơn điệu, nhàm chán. Nhiều nơi người dân nhiệt tình nhưng thiếu kỹ năng làm du lịch, khách hỏi gì trả lời đấy, yêu cầu gì làm đấy, chưa có một chương trình bài bản để giới thiệu cho du khách về lịch sử, đặc trưng, tập quán sản xuất, sinh hoạt của làng nghề mình.

Các làng nghề cần sẵn sàng đón khách

Ông Nguyễn Xuân Côn, Trưởng Phòng nghiệp vụ du lịch, Sở Văn hoá thể thao và du lịch cho rằng: “Các làng nghề hiện nay chưa thực sự sẵn sàng đón khách. Từ năm 2011, Sở đã phối hợp với một số đơn vị lữ hành trên địa bàn tỉnh như: Hùng Hương, Phú Sơn, Thanh Niên, Sài Gòn – Hà Nội… mở các tour du lịch kết hợp thăm làng nghề và nghe hát quan họ. Được sự hỗ trợ của Viện nghiên cứu phát triển ngành nghề nông thôn, một số làng nghề đã thành lập được Ban quản lý dự án triển khai thí điểm mô hình hoạt động du lịch cộng đồng. Trong tương lai, mô hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng nếu phát huy hiệu quả. Vấn đề còn lại nằm ở chính bản thân các làng nghề bởi hình thức du lịch này phụ thuộc rất nhiều vào sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên”.

Cũng theo ông Côn, các làng nghề cần phải chủ động hơn trong việc giới thiệu, liên kết với các đơn vị lữ hành hoạt động du lịch. Việc đầu đầu tiên cần phải làm là tạo ra một đầu mối liên hệ đáng tin cậy, có thể là trưởng thôn hoặc UBND các xã, phường, thị trấn… làm cầu nối hai bên. Từ đó các làng nghề có thể nắm được nhu cầu của du khách, tìm ra cách thức tổ chức và cung cấp các dịch vụ phù hợp. Riêng về vấn đề hướng dẫn viên, trong năm nay, Sở sẽ tổ chức một lớp tập huấn đặc biệt để bồi dưỡng kỹ năng thuyết minh, giới thiệu về du lịch làng nghề. Mỗi làng sẽ cử đại diện tham gia, sau đó về nhân rộng tại cộng đồng. Đây chính là lực lượng hướng dẫn viên tốt nhất bởi họ chính là những chủ nhân đích thực của làng nghề.

Phát triển du lịch làng nghề là một hướng đi đúng bởi không chỉ tạo nên sự đa dạng cho các tour du lịch, quảng bá văn hóa mà còn là cách thức giới thiệu, tạo lập thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các làng nghề. Trong khi chờ đợi một quy hoạch mang tính tổng thể dài hơi thì bản thân làng nghề và người dân ở đó cần xác định cho mình tâm thế của một người làm du lịch, sẵn sàng đánh thức tiềm năng du lịch trên chính quê hương mình.
Bài, ảnh: Thương Huyền
Top