khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ sáu, 26/04/2013 - 16:48

Phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động

Những năm qua, công tác phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động chưa được quan tâm đúng mức, vì vậy bệnh nghề nghiệp luôn là nguy cơ đe dọa đến tính mạng, sức khỏe và chất lượng người lao động.


phong chong benh nghe nghiep cho nguoi lao dong
Người lao động cần có ý thức phòng bệnh cho chính mình bằng việc sử dụng đầy đủ bảo hộ lao động.

 

 Theo số liệu báo cáo của ngành Y tế, năm 2012, cả nước có hơn 5.000 trường hợp nghi mắc bệnh nghề nghiệp được phát hiện, số tích lũy bệnh nghề nghiệp đến hết năm 2012 là hơn 27.500 người. Tại Bắc Ninh, số trường hợp được phát hiện bệnh nghề nghiệp không nhiều, song vấn đề phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động vẫn cần được quan tâm bởi người sử dụng lao động và ngay cả người lao động cũng chưa có nhận thức đúng đắn về bệnh nghề nghiệp.

Trong đợt kiểm tra y tế lao động năm 2012 của ngành Y tế Bắc Ninh tại 23 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cho thấy có 13 doanh nghiệp đã tiến hành hoặc đã làm hợp đồng khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, chỉ có 6/23 công ty đã thực hiện đo kiểm môi trường lao động và lập hồ sơ vệ sinh lao động. Năm 2012, Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động - môi trường và giám định Y khoa (Sở Y tế) thực hiện khám bệnh nghề nghiệp cho 729 người lao động thuộc 9 doanh nghiệp, trong đó phát hiện 4 trường hợp sạm da.

Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Biên, Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp, Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động - môi trường và giám định Y khoa tỉnh thì chỉ có khoảng 2-3% số người lao động được kiểm tra bệnh nghề nghiệp. Vì vậy, số người và tỷ lệ mắc bệnh nghề nghiệp của người lao động làm việc tại các khu, cụm công nghiệp và các làng nghề chắc chắn còn cao hơn nhiều. Điều đáng nói là người sử dụng lao động hoặc lảng tránh hoặc chưa ý thức được trách nhiệm đối với người lao động, trong khi đó người lao động hầu hết không nhận thức được quyền lợi của mình.

Cũng theo bác sĩ Biên, qua quá trình kiểm tra tại các doanh nghiệp cho thấy, chỉ riêng việc trang bị bảo hộ lao động cũng đủ thấy sự thiếu ý thức trong công tác bảo vệ sức khỏe. Nơi thì doanh nghiệp cấp không đủ bảo hộ theo quy định, có nơi người lao động được cấp bảo hộ nhưng không sử dụng và nhiều người chưa có thói quen sử dụng đầy đủ bảo hộ lao động.

Trong quá trình lao động sản xuất, người lao động có thể phải tiếp xúc với những yếu tố ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, những yếu tố này gọi là tác hại nghề nghiệp. Tác hại nghề nghiệp ảnh hưởng ở những mức độ khác nhau như mệt mỏi, suy nhược, giảm khả năng lao động, phát sinh các bệnh thông thường hoặc gây ra các bệnh nghề nghiệp. Thông tư 19/2011/TT-BYT của Bộ Y tế về việc hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe người lao động và bệnh nghề nghiệp nêu rõ: bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đến người lao động. Hiện nay, nước ta có 28 bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm và chia thành 5 nhóm: Các bệnh bụi phổi và phế quản; Các bệnh nhiễm độc nghề nghiệp; Các bệnh nghề nghiệp do yếu tố vật lý; Các bệnh da nghề nghiệp; Các bệnh nhiễm khuẩn nghề nghiệp.

Để phòng bệnh nghề nghiệp cho người lao động, người sử dụng lao động cần trang bị thiết bị bảo hộ lao động và vệ sinh lao động, tạo điều kiện để người lao động được làm việc trong điều kiện bảo đảm vệ sinh, không có các yếu tố độc hại, nguy hiểm (sử dụng công nghệ, vật liệu sản xuất sạch, an toàn) hoặc sử dụng các biện pháp kỹ thuật như cách ly nguồn độc hại (che chắn bụi, tiếng ồn, sóng vật lý,...), tổ chức khám sức khỏe khi tuyển dụng để bố trí công việc phù hợp và khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp để điều trị kịp thời. Quan trọng hơn cả, người lao động cần có ý thức phòng bệnh cho chính mình, không chủ quan, ngại sử dụng các trang thiết bị bảo hộ lao động. 
Thùy Vy
Top