khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ năm, 02/05/2013 - 13:48

Sẵn sàng ứng phó với cúm A (H7N9)

Việt Nam hiện chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp do Cúm A (H7N9) nào song căn cứ vào tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại Trung Quốc và đặc điểm dịch tễ của bệnh, nguy cơ dịch có thể xâm nhập vào Việt Nam cũng như có khả năng bùng phát thành dịch lớn tại cộng đồng nếu không chủ động triển khai các biện pháp phòng chống.

Trước tình hình đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh xây dựng kế hoạch hành động khẩn cấp phòng chống và điều trị xử lý khi có dịch cúm A (H7N9) xảy ra với mục tiêu duy trì có hiệu quả hệ thống giám sát dịch, phát hiện sớm cúm A (H7N9) và xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra; tổ chức thực hiện tốt việc dự phòng, thu nhận và điều trị những trường hợp mắc cúm A (H7N9) vào viện, hạn chế đến mức thấp nhất các biến chứng của bệnh, giảm tỷ lệ tử vong do dịch gây ra.
 
Thường xuyên rửa tay với xà phòng và thực hiện tốt vệ sinh cá nhân để phòng bệnh Cúm A (H7N9).
Thường xuyên rửa tay với xà phòng và thực hiện tốt vệ sinh cá nhân để phòng bệnh Cúm A (H7N9).

 
Công tác tuyên truyền được coi trọng với việc hướng dẫn cho cán bộ, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân về các biện pháp phòng chống dịch bệnh cúm A (H7N9). Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh khoa phòng và bệnh viện, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, sử dụng và bảo quản nguồn nước sạch, hợp vệ sinh, chủ động bảo vệ sức khỏe cho nhân viên y tế, người bệnh và cộng đồng.

Để công tác điều trị người bệnh hiệu quả, bệnh viện sẵn sàng tiếp nhận khám, phát hiện, chẩn đoán và điều trị những trường hợp mắc cúm A (H7N9) vào điều trị tại bệnh viện theo phác đồ bộ Y tế ban hành. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của người bệnh, phát hiện sớm những trường hợp cúm A (H7N9) có diễn biến nặng (vượt quá khả năng điều trị của bệnh viện) để chuyển tuyến trên kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ biến chứng và tử vong do dịch bệnh gây ra, thực hiện nghiêm quy trình chuyên môn kỹ thuật bệnh viện, quy chế chuyên môn. Tổ chức khu cách ly và thực hiện tốt công tác cách ly, khống chế không để dịch lây lan rộng.

Đối với bệnh nhân được điều trị nội trú: Tất cả các bệnh nhân nghi ngờ cúm A H7N9 được chuyển thẳng vào khoa Truyền nhiễm khám và điều trị tại khu cách ly, gồm 3 phòng với 6 giường  cấp cứu (01 phòng điều trị tích cực). Tại các khoa Khám bệnh, Cấp cứu bố trí 1 buồng khám phân loại. Đơn vị thành lập 2 đội cấp cứu chống dịch và 1 đội vận chuyển cấp cứu để thực hiện công tác phòng chống dịch cúm A (H7N9) ngoại viện.

Công tác phòng chống lây nhiễm cúm A (H7N9) trong bệnh viện được thực hiện trên các nguyên tắc: Áp dụng các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm ngặt; khi phát hiện người bệnh nghi ngờ mắc cúm A (H7N9) phải khám, và cách ly kịp thời; phải thực hiện các phương pháp phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa dựa trên đường lây truyền. Để phòng lây nhiễm cúm A (H7N9) sang người, công tác tuyên truyền được tăng cường nhằm nâng cao nhận thức của người bệnh và người nhà về những tác hại của cúm A (H7N9). Các biện pháp phòng, tránh như: Che miệng, mũi khi ho, hắt hơi, xì mũi bằng khăn hoặc giấy và vệ sinh tay; sử dụng các biện pháp phòng hộ lao động và rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn nhanh sau khi tiếp xúc; tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đường hô hấp cấp…

Đối với công tác phòng ngừa cho người bệnh và khách đến thăm bệnh viện: không xếp chung người bệnh nghi ngờ với các người bệnh khác; người bệnh đã xác định bệnh được tập trung tại khoa có đủ điều kiện cách ly và điều trị; khi tình trạng người bệnh cho phép, tất cả người bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh phải mang khẩu trang ngoại khoa khi ở trong buồng bệnh cũng như khi đi ra ngoài buồng bệnh. Hạn chế người nhà và khách thăm vào khu cách ly. Trường hợp người nhà chăm sóc người bệnh hoặc tiếp xúc với người bệnh phải được hướng dẫn và áp dụng các biện pháp phòng lây nhiễm như nhân viên y tế.

Nhân viên y tế tiếp xúc với người bệnh dùng khẩu trang ngoại khoa, kính bảo hộ, mặt nạ che mặt, áo choàng giấy dùng một lần, găng tay, mũ, bao giầy hoặc ủng. Khi làm thủ thuật can thiệp đường thở, hồi sinh hoặc thủ thuật tạo khí dung nên sử dụng khẩu trang N95; bệnh phẩm xét nghiệm phải được đặt trong túi nylon hoặc hộp vận chuyển; Rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn sau khi tiếp xúc với dịch tiết đường hô hấp, dụng cụ bẩn, chăm sóc người bệnh, sau khi tháo găng tay, khẩu trang và trước khi rời buồng bệnh, khu vực cách ly. Những người tiếp xúc trực tiếp với người bệnh ở khu vực cách ly đặc biệt phải tắm, thay quần áo trước khi ra khỏi bệnh viện; khi ra khỏi buồng cách ly phải thải bỏ các phương tiện phòng hộ vào thùng thu gom chất thải và xử lý như chất thải y tế lây nhiễm và phải tắm, thay quần áo trước khi ra khỏi bệnh viện. Những nhân viên có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh cần được khám, làm các xét nghiệm và theo dõi như người bệnh nghi ngờ bị cúm nặng.
P.V-BBN
Top