khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ sáu, 10/05/2013 - 09:56

Đình Đọ Xá và tục kết chạ độc đáo

Đình Đọ Xá thuộc khu phố Đọ Xá, phường Ninh Xá, thành phố Bắc Ninh là công trình văn hóa tâm linh tín ngưỡng lâu đời của cộng đồng nhân dân Đọ Xá, từng nổi tiếng trong dân gian bởi lễ hội truyền thống và tục kết chạ với đình Phúc Đức (Đại Phúc).

Theo văn bia, Đọ Xá vốn xưa có tên là “Đỗ Xá” là một làng cổ lớn đứng đầu tổng, có ngôi đình được khởi dựng từ lâu đời, đến thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 18), đình được trùng tu với quy mô rất lớn chạm khắc “tứ linh tứ quý) lộng lẫy. Nhưng trải lâu năm đình đã qua nhiều lần trùng tu tôn tạo. Hiện đình Đọ Xá là công trình kiến trúc mới được trùng tu, nhưng vẫn còn bảo lưu được những mảng chạm khắc thời Lê Trung Hưng với “Rồng mây” tinh xảo nghệ thuật. Đình Đọ Xá còn bảo lưu được những tài liệu cổ vật quý giá là hệ thống thần tích thần sắc, bia đá đã cho biết khá rõ về lịch sử ngôi đình, cũng như người được thờ.

Bản “Thần tích Thần sắc” của đình Đọ Xá được kê khai năm 1938, được sao chụp lại của Viện Thông tin Khoa học Xã hội cho biết: Đình Đọ Xá thờ Thánh Tam Giang (Trương Hống, Trương Hát) có công đánh giặc Lương ở thế kỷ 6 và còn ghi chép lại nội dung một số đạo sắc phong của Thánh Tam Giang được thờ ở đình làng. Căn cứ vào sử liệu và thần tích sắc phong thì lai lịch và công trạng của các đức Thánh Tam Giang có thể tóm tắt như sau: Đức thánh Tam Giang vốn là 5 anh em ruột có tên húy là Trương Hống, Trương Hát, Trương Lừng, Trương Lẫy và em gái Đạm Nương, quê ở Vân Mẫu (xã Vân Dương, nay thuộc thành phố Bắc Ninh). Thân mẫu của các ngài lúc trẻ xinh đẹp hiền thục và nhân hậu. Một hôm, bà ra sông Lục Đầu tắm bị Long Thần quấn vào người. Sau đó bà mang thai 14 tháng, đến ngày mùng 5 tháng Giêng năm Nhâm Ngọ lên chùa Lễ Phật, về đến giữa xứ đồng Cửa Cữu thì sinh ra một bọc thành 5 người con bốn trai và một người con gái. Khi 5 anh em đến tuổi trưởng thành văn võ toàn tài. Một hôm bỗng người mẹ không bệnh mà mất. Đêm ấy, thần linh hiện lên mách bảo các ông đưa thân mẫu đến táng ở Gò Nhớn trệ đầm Chiêm gần cạnh làng đó là nơi đất tốt, anh em liền nghe theo và chôn cất mẹ ở chỗ đất đó. Các ông đêm đến thường ra thăm mả, khi về đến xứ Bãi Cả thấy đàn quỷ sứ đón đường liền vật nhau, chúng thua và xin dâng “cẩm bào” cho các ông.

Bấy giờ, nước ta bị giặc Lương xâm lược, tàn nhiễu muôn dân, đau lòng trăm họ, hại người lấy của. Năm 542, Lý Bí quê ở (Long Hưng-Thái Bình) đã cùng các tướng tài giỏi huy động nhân dân cùng đánh đuổi giặc Lương, lên ngôi vua gọi là Lý Nam Đế, lập nên nhà nước Vạn Xuân, đóng đô ở thành Long Biên.

Ba năm sau, quân Lương lại huy động hàng vạn binh mã sang xâm lược nước ta. Lý Nam Đế đã đem quân chặn đánh giặc ở vùng cửa sông Lục Đầu nhưng không cản được vì quân giặc quá đông. Lý Nam Đế phải rút quân về miền núi và đóng quân tại Hồ Điển Triệt ở Lập Thạch. Một đêm lợi dụng mưa to gió lớn, tướng giặc là Trần Bá Tiên đã đem quân đánh úp, Lý Nam Đế đem quân vào động Khuất Lão ở Tam Nông rồi ốm mất ở đấy. Trước khi mất, Lý Nam Đế đã trao quyền cho tướng Triệu Quang Phục để tiếp tục lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống quân Lương. Triệu Quang Phục đã cùng với các danh tướng Họ Trương (Trương Hống, Trương Hát, Trương Lừng, Trương Lẫy) đem quân về vùng Dạ Trạch (Hưng Yên) đánh phục kích tiêu hao lực lượng quân giặc.

Năm 550, từ căn cứ Dạ Trạch, Triệu Quang Phục đã cho quân tiến đánh giết được tướng giặc thu lại thành Long Biên giải phóng đất nước. Năm 557, Lý Phật Tử là em họ của Lý Nam Đế đã đem quân về đánh Triệu Việt Vương đòi ngôi vua. Đánh không được, Lý Phật Tử dùng gian kế xin hòa cầu hôn gả con trai là Nhã Lang cho con gái vua là Cảo Nương, rồi bất ngờ đem quân đánh úp.

Cướp được ngôi vua, Lý Phật Tử lên ngôi xưng là Hậu Lý Nam Đế, biết các danh tướng họ Trương là người tài giỏi bèn cho vời các ông ra làm quan. Các danh tướng họ Trương với tấm lòng trung quân ái quốc, nhất định không ra làm quan cho triều Lý Phật Tử. Dụ dỗ không được, Lý Phật Tử bèn lệnh truy bắt các danh tướng họ Trương. Các ông bàn nhau lên vùng núi Phù Lang ở ẩn, rồi dùng thuyền giả làm người đi buôn đến ngã ba sông thuộc làng Xà (Tam Giang-Yên Phong) đục thuyền tuẫn tiết. Tấm lòng trung quân ái quốc của các danh tướng họ Trương đã cảm động đến trời xanh. Ngọc Hoàng cho các ông làm Thần cai quản suốt dọc con sông này và đã được hơn 370 làng dọc sông Cầu thờ làm Thành Hoàng làng. Các triều vua sau đi đánh giặc phía Bắc đều vào đền thờ “Thánh Tam Giang” khấn cầu và được âm phù đánh thắng giặc, đã có sắc phong ban tặng cho các Thần với mỹ tự “Tam Giang thượng đẳng thần”. Vận Thánh Tam Giang chính là những nhân vật lịch sử có công đánh giặc Lương ở thế kỷ VI. Các ông sống anh hùng đánh giặc, chết trung nghĩa hiển linh làm thần, đã đi vào tâm linh tín ngưỡng của dân gian đôi bên bờ sông Cầu, trong đó có làng Đọ Xá.

Mặt khác, theo “Thần tích Thần sắc” và văn bia của đình Phúc Đức thì Phúc Đức xưa là một thôn thuộc xã Đỗ Xá, tổng Đỗ Xá. Đình Phúc Đức cũng thờ Đức Thánh Tam Giang (Trương Hát). Tương truyền, hai làng Đỗ Xá và Phúc Đức kết chạ anh em với nhau vì cùng thờ chung Thánh Tam Giang, cứ 5 năm một lần lại tổ chức rước kiệu Thánh sang nhau để tế lễ và mở hội.

Vào hội, ngay từ mồng 6 Tết, đình làng đã được mở cửa để phong cờ quạt, làm lễ nhập tịch. Ngày mồng 7 chính hội, dân làng Đại Phúc làm lễ rước kiệu sang làng Đọ Xá xin rước sắc phong của Thánh về đình làng để tế lễ và mở hội. Đám rước rợp trời với cờ kiệu, siêu đao, bát bửu, chiêng trống, quan viên và dân làng. Hôm sau, làng Đọ Xá lại thịnh tình rước kiệu Thánh đến làng Phúc Đức để tế lễ giao lưu. Đám rước cũng rợp trời với cờ kiệu siêu đao, bát bửu, chiêng trống, quan viên và dân làng. Trong những ngày lễ hội, sau phần lễ là phần hội với nhiều tục trò dân gian vui chơi giải trí như: cờ tướng, cờ người, thổi cơm thi và đặc biệt là hát Quan họ giao lưu.

Đọ Xá vốn là một trong những làng Quan họ gốc của tỉnh Bắc Ninh, đã bảo tồn phát huy được những nét đẹp văn hóa của quê hương. Đình Đọ Xá và lễ hội truyền thống với tục kết chạ trên, không những phản ánh được bề dầy lịch sử, văn hóa của cộng đồng nhân dân hai khu Đọ Xá và Đại Phúc, mà còn góp phần làm giàu đẹp bức tranh lễ hội đầu xuân trên quê hương Quan họ Kinh Bắc-Bắc Ninh hàng ngàn năm văn hiến.
Đỗ Thị Thủy-BBN
Top