Năm 2013, kỳ thi tốt nghiệp THPT về cơ bản vẫn được tiến hành như năm 2012 (sau khi đã có hàng loạt những thay đổi về quy chế). Năm 2013, Bộ GD-ĐT chỉ có một số thay đổi nhỏ theo hướng tăng thẩm quyền cho các Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh và các Hội đồng thi, như: Không nhất thiết phải tổ chức thi theo cụm với thí sinh liên trường như những năm trước; sẽ chấm thẩm định độc lập ít nhất 5% số bài thi tự luận tại các Hội đồng thi; thí sinh THPT ngoài công lập không thi cùng Hội đồng với thí sinh THPT công lập; thí sinh khối Giáo dục Thường xuyên có thể thi chung Hội đồng với thí sinh THPT công lập, nhưng thi trong các phòng riêng biệt …

Buổi ôn thi tốt nghiệp môn Hóa học tại Trường THPT Nguyễn Du, thành phố Bắc Ninh.
Thêm một thay đổi nhỏ nhưng hết sức quan trọng, gây lo ngại cho không chỉ các tỉnh, thành phố mà cả Bộ GD-ĐT, đó là việc cho phép các thí sinh được mang vào phòng thi những vật dụng có chức năng ghi âm, ghi hình (nhưng không có chức năng phát) để làm căn cứ tố cáo các hành vi tiêu cực trong thi cử. Quyết định này xuất phát từ những tiêu cực tại Trường THPT tư thục Đồi Ngô (Bắc Giang), trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012. Kết quả là 42 cán bộ, giáo viên liên quan đến việc vi phạm quy chế thi tại Trường THPT Đồi Ngô đã bị xử lý kỷ luật.
Rõ ràng khi Bộ GD-ĐT còn đang tìm giải pháp khả thi đổi mới công tác thi cử, thì việc cho phép các thí sinh được mang vào phòng thi những vật dụng có chức năng ghi âm, ghi hình trong mùa thi năm nay đang nhận được sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân, trước kết quả thi tốt nghiệp THPT “đáng ngờ” của nhiều trường “có vấn đề” về chất lượng giáo dục trên phạm vi toàn quốc.
Đối với Bắc Ninh, năm 2013 toàn tỉnh có khoảng 14.700 thí sinh của 43 cơ sở giáo dục dự thi tốt nghiệp THPT, Bổ túc THPT, tổ chức tại 32 Hội đồng thi với hơn 620 phòng thi. Theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Hương Trang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, năm 2013 ngành GD-ĐT Bắc Ninh có nhiều giải pháp đột phá trong khâu tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT tại tất cả các trường công lập lẫn ngoài công lập.
Về cơ sở vật chất, 31/32 Hội đồng thi tổ chức thi tại chỗ, 100% phòng thi là phòng kiên cố có đủ ánh sáng và các thiết bị phụ trợ khác. Toàn tỉnh duy nhất có Hội đồng thi liên trường THPT tư thục Thiên Đức và Kinh Bắc (huyện Thuận Thành), do cơ sở vật chất không đáp ứng được yêu cầu, phải thuê điểm thi tại Trường THCS Vũ Kiệt, đây là trường THCS trọng điểm chất lượng cao nên các điều kiện đều rất tốt. Nhiệm vụ của ngành GD-ĐT từ nay đến khi thi là tăng cường tập huấn nghiệp vụ thi cho đội ngũ cán bộ làm thi, dự kiến hơn 1.600 người. Đây luôn là khâu quan trọng nhất do vậy phải thường xuyên được chăm lo mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Để kỳ thi diễn ra an toàn và nghiêm túc, ngoài các vấn đề nghiệp vụ thi thuộc trách nhiệm của ngành GD-ĐT, thì các ngành hữu quan trong Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh như: Công an, Điện lực, Y tế, Báo Bắc Ninh, Đài PT-TH… phải chung tay làm hết trách nhiệm, nhất là các điều kiện an ninh, an toàn tại các Hội đồng thi; sức khỏe của giám thị, thí sinh; các điều kiện vệ sinh an toàn thực thẩm cho đội ngũ cán bộ làm thi tại cơ sở...
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tử Quỳnh, yêu cầu từng ngành thành viên phải có kế hoạch riêng cụ thể trình Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, để cùng với tỉnh và Sở GD-ĐT tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013. Trước ngày thi, Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh sẽ tổ chức kiểm tra các điều kiện cần thiết phục vụ thi, đồng thời khắc phục nhanh những sự cố phát sinh liên quan đến kỳ thi, tạo thuận lợi nhất cho đội ngũ cán bộ làm thi cũng như các thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT trên địa bàn tỉnh.