khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ Tư, 15/05/2013 - 08:10

Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở Thành phố Bắc Ninh

Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" (TDĐKXDĐSVH) là cuộc vận động sâu rộng được triển khai liên tục và lâu dài, có tác dụng tích cực đến nhiều phong trào thi đua khác. 15 năm qua, tại thành phố Bắc Ninh phong trào từng bước phát triển về chất được triển khai từ cấp xã, phường, thôn, khu phố.

Phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong lễ hội.
Phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong lễ hội.
 
Thông qua phong trào, xuất hiện các điển hình tiên tiến; các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được tuyên truyền, phổ biến và thực hiện có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống tinh thần, đẩy lùi và bài trừ các tệ nạn xã hội, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ tinh thần tương thân tương ái của nhân dân trên địa bàn thành phố.

Xác định phong trào xây dựng gia đình văn hóa có ý nghĩa quan trọng đối với sự hình thành và phát triển nhân cách của mỗi cá nhân, thành phố chỉ đạo các ngành liên quan, các xã, phường  tổ chức kỷ niệm “Ngày hội đại đoàn kết dân tộc” biểu dương các gia đình văn hóa tiêu biểu nhằm tôn vinh vai trò của gia đình trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Có thể thấy, phong trào xây dựng gia đình văn hóa thực sự đi vào ý thức mỗi cá nhân, gia đình, dòng họ.

Qua thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, chất lượng cuộc sống của hầu hết các gia đình đã được nâng lên, ý thức trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình ngày càng cao góp phần đẩy lùi và bài trừ các tệ nạn xã hội. Công tác bình xét gia đình văn hóa tại các khu dân cư ngày càng chặt chẽ và có chất lượng. Hàng năm, các địa phương đều tổ chức sơ kết và rút kinh nghiệm, động viên khen thưởng kịp thời đưa phong trào đi vào chiều sâu và bền vững.

Nghị quyết T.Ư 5 (Khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” đưa ra 5 quan điểm chỉ đạo, 10 nhiệm vụ cụ thể và 4 nhóm giải pháp lớn để xây dựng và phát triển văn hóa, trong đó nhóm giải pháp có ý nghĩa then chốt là “Mở cuộc vận động giáo dục chủ nghĩa yêu nước gắn với thi đua yêu nước và phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Bản chất của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh, kỷ cương xã hội, sống và làm việc theo pháp luật; xây dựng môi trường văn hóa sạch-đẹp-an toàn, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, thể thao cơ sở; làm cho phong trào lan tỏa, thấm sâu vào từng gia đình và toàn xã hội, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động, hướng tới một xã hội thực sự văn minh.

Năm 1998, thành phố có 10.355/17.385 gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa (chiếm 59,5%) thì đến năm 2012 có 37.097/40.525 hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa (chiếm 92%). Song song với phong trào xây dựng gia đình văn hóa, việc xây dựng “Làng  văn hóa”, “Khu phố văn hóa” luôn được các cấp, các ngành quan tâm và được nhân dân tích cực hưởng ứng. Thông qua phong trào, tính tự nguyện, tự quản, ý thức trách nhiệm của cá nhân, cộng đồng được nâng cao. Nhiều giá trị mới về văn hóa, chuẩn mực đạo đức được khẳng định và nhân rộng, phát huy tính dân chủ trong xã hội. Thanh niên hăng hái tiếp thu kiến thức KHCN tiên tiến, thể hiện mạnh mẽ ý chí vươn lên, lập thân, lập nghiệp để phát triển đất nước. Cuộc vận động TDĐKXDĐSVH, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, văn hoá, văn nghệ được mở rộng và từng bước đi vào  đời sống xã hội. Các giá trị đạo đức được đề cao trong gia đình và cộng đồng.

Các phong trào: “Ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”; “Đền ơn đáp nghĩa”; “Lá lành đùm lá rách”; “Giáo dục cảm hóa người lầm lỗi”; “Giúp nhau xóa đói, giảm nghèo” là những biểu hiện tốt đẹp của đạo đức và lối sống trong thời kỳ đổi mới làm phong phú thêm nội dung tư tưởng nhân văn XHCN. Tình làng nghĩa xóm được khơi dậy và phát huy góp phần phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Từ 27/48 khu dân cư đạt danh hiệu văn hóa vào năm 1998 (đạt 56,2%), thì đến 2012 thành phố đã có 72/108 làng, khu phố đạt chuẩn làng văn hóa, khu phố văn hóa (chiếm 67%). Nét mới trong phong trào xây dựng "Đơn vị văn hoá" ở thành phố Bắc Ninh hiện nay là các cơ quan, đơn vị đã lồng ghép xây dựng văn minh đô thị vào phong trào xây dựng "Đơn vị văn hoá" của mình. Việc làm này đã có tác dụng tích cực đến việc nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả lao động, góp phần giúp các đơn vị hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch công tác và sản xuất kinh doanh của mình. Các chế độ, chính sách đối với người lao động cũng được thực hiện chặt chẽ theo quy định, đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ công nhân viên chức không ngừng được cải thiện và nâng cao, cơ sở vật chất hạ tầng và các thiết chế văn hoá ở các đơn vị được xây dựng đồng bộ, nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội được thực hiện nghiêm túc, nhiều hủ tục đã được hạn chế.

Những năm tới thành phố tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, thủ trưởng cơ quan, các ngành, các tổ chức chính trị đối với các phong trào. Cùng với phát triển kinh tế từng bước xây dựng, hình thành một môi trường xã hội văn hóa lành mạnh. Gắn việc xây dựng nông thôn mới vào cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phong trào "toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới,việc tang, lễ hội. Triển khai có hiệu quả các nội dung, tiêu chí xây dựng đời sống văn hoá phù hợp với tính chất, đặc điểm từng loại hình cơ quan, doanh nghiệp, địa phương, đề cao trách nhiệm cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức gương mẫu thực hiện cuộc vận động nhằm đưa các phong trào phát triển toàn diện, rộng khắp trên các lĩnh vực đời sống xã hội trên địa bàn.
V.T-BBN
Top