
Nguồn vốn tại Ngân hàng TMCP Công thương Tiên Sơn (thị xã Từ Sơn) khá dồi dào nhưng thiếu khách hàng khả thi.
Thời gian qua, một số ngân hàng (NH) trên địa bàn tỉnh đã giảm lãi suất cho vay phổ biến ở mức 0,5 - 1,5% tương ứng tỷ lệ huy động. Điển hình Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT tỉnh từ ngày 26 đến nay đã có 2 lần điều chỉnh lãi suất từ 12%/năm xuống còn 10%/năm cho vay của 4 nhóm lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu, DN vừa và nhỏ, phát triển công nghiệp hỗ trợ). Các đối tượng không được ưu tiên cao nhất thời điểm này là 13% của kỳ trung và dài hạn. Ông Nguyễn Hữu Trường, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT tỉnh cho biết: “Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tiến hành giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng cán bộ làm công tác tín dụng, nhưng dư nợ vẫn không tăng, trái lại còn giảm. Tính đến hết 30-4, tăng trưởng dư nợ giảm 0,87% so với cuối năm 2012. Trong khi đó huy động vốn đạt 4.668 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cuối năm 2012”.

Giải quyết hàng tồn kho để tăng sức hấp thụ vốn của ngân hàng đối với DN là điều cần thiết.
Trong ảnh: Sản phẩm gạch của Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Bắc Hưng.
Theo ông Nguyễn Văn Chung, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh, nguyên nhân tăng trưởng tín dụng giảm trong quý I là do Bắc Ninh có nhiều lễ hội đầu năm nên các DN, hộ sản xuất kinh doanh chưa thực sự vào guồng. Bên cạnh đó, hoạt động của một số DN gặp nhiều khó khăn, thậm chí là đình trệ, nên nhu cầu vay vốn giảm. Mặt khác, các TCTD cũng đang tập trung kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng để hạn chế rủi ro theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam nên rất thận trọng trong khâu thẩm định hồ sơ vay vốn. Chỉ có những dự án, phương án sản xuất, kinh doanh được đánh giá thực sự hiệu quả mới được ngân hàng xem xét cho vay. Đánh giá của NHNN tỉnh cho thấy hiện nay nguồn tiền ở các ngân hàng khá dồi dào, đủ đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. Song nghịch lý ở chỗ, ngân hàng thừa tiền, DN lại vẫn thiếu. Qua tìm hiểu, được biết DN thật sự có uy tín, làm ăn hiệu quả, thuộc đối tượng ngân hàng tìm kiếm để cho vay thì chỉ vay một số vốn lưu động rất nhỏ, thậm chí không có nhu cầu. Còn phần lớn những DN tự tìm đến ngân hàng thì lại không đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu, nhất là tình hình tài chính không minh bạch, đang có nợ xấu tại một số TCTD khác, thiếu tài sản bảo đảm tiền vay… Chính những yếu tố này khiến việc tăng trưởng tín dụng khó khăn.
Thời điểm này, tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của các DN còn nhiều trở ngại. Thực tế, ngân hàng cũng là một loại hình DN đặc thù và bảo đảm cho hoạt động DN này thì việc loại trừ rủi ro là điều cần thiết. Tuy nhiên, việc phân loại các hồ sơ cho vay hiệu quả, khả thi, tài sản bảo đảm ở mỗi ngân hàng khác nhau, phụ thuộc vào nhiều tiêu chí. Để tăng khả năng hấp thụ vốn cho DN, bên cạnh việc cơ cấu lại nợ, các ngân hàng cũng nên có những động thái tích cực hơn như tiếp tục hạ lãi suất tiền vay và tăng hạn mức tín dụng, thời hạn cho vay giúp kích thích các thành phần kinh tế và người dân tiêu dùng nhiều hơn, qua đó giải quyết vấn đề hàng tồn kho, góp phần cải thiện kết quả kinh doanh cho DN.