khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ Tư, 22/05/2013 - 13:24

Vườn cò Đông Xuyên

Khi hoàng hôn đổ bóng là lúc hàng vạn cánh cò trắng từ phía chân trời đua nhau chao liệng ùa về với tổ. Đàn cò đập cánh, rộn rã tìm nhau trên những ngọn tre xanh mướt. Cảnh hoàng hôn ở vườn cò Đông Xuyên (xã Đông Tiến, huyện Yên Phong) như một bức tranh đẹp và bình yên đến lạ kỳ.

Khu vườn cò Đông Xuyên với hàng vạn cá thể cò đang cư trú.
Khu vườn cò Đông Xuyên với hàng vạn cá thể cò đang cư trú.
 
Gần 20 cây số từ thành phố Bắc Ninh, chúng tôi đến với khu bảo tồn sinh thái vườn cò Đông Xuyên. Tiết trời oi nóng những ngày hè bỗng chốc mát dịu bởi khung cảnh làng quê yên bình, xanh mướt những rặng tre bạt ngàn. Mọi ồn ào, bụi bặm nơi phố phường nhanh chóng bị lãng quên dưới cái nắng hiu hiu và ngọn gió trong trẻo thổi về từ mặt hồ lăn tăn gợn sóng. Nghỉ chân tại quán nước trước mái đình làng cổ kính, cầm trên tay chén nước vối mát lạnh, bà chủ quán cho biết muốn ngắm cảnh đàn cò đẹp nhất phải chờ đến chiều tối khi chúng đi kiếm ăn về tổ.
 
Những cánh cò trắng hối hả bay về tổ mỗi khi chiều về.
Những cánh cò trắng hối hả bay về tổ mỗi khi chiều về.
 
Trong thời gian chờ đợi, bà chủ mời chúng tôi thưởng thức món bánh tẻ, không quên lời giới thiệu: “Đây là đặc sản vùng này đấy. Chưa ăn bánh tẻ coi như chưa về đến Yên Phong”. Đã từng ăn bánh tẻ nhiều lần nhưng vị thanh khiết, dẻo thơm của món bánh đậm chất đồng quê dân dã vẫn khiến tôi cảm thấy ngon miệng mà không hề ngao ngán. Mấy người bạn từ nơi khác thì khỏi phải nói, vừa xuýt xoa tán thưởng vừa rối rít hỏi về cách làm bánh, rồi dặn dò bà chủ quán chuẩn bị cho mỗi người một ít mua về làm quà. Biết chúng tôi muốn tìm hiểu thêm về vườn cò, bà chủ nhiệt tình chỉ đến nhà ông Trương Đình Tiêm-người đã gắn bó với vườn cò gần hai chục năm nay.

Theo ông Tiêm đi dạo một vòng quanh khu bảo tồn, chúng tôi được nghe kể rất nhiều chuyện thú vị về loài cò và cả cách mà người dân nơi đây trân trọng, gìn giữ vườn cò như một báu vật. Ông cho biết: “Gốc tích của đàn cò này đã có từ lâu nhưng phải đến khi đình làng được tôn tạo (khoảng năm 1994) thì cò mới về đây sinh sống ngày một đông. Có thời điểm cò nhiều tới mức đậu trắng cả mấy rặng tre trước cửa đình. Tôi đã vận động người dân trong làng trồng thêm nhiều tre để tạo môi trường cho cò trú ngụ”. Đến nay vườn cò đã mở rộng ra hơn 3 ha với hàng vạn cá thể cò thuộc nhiều loài khác nhau như: Cò bợ, cò trắng, cò lửa, cò mỏ vạc chân đen, cò mỏ vạc chân vàng... Ngoài ra còn có nhiều loài chim khác cũng về đây làm tổ tạo ra một hệ sinh thái độc đáo, có một không hai trong vùng.

Do vườn cò nằm giữa một hồ nước lớn nên muốn quan sát, tiếp cận gần với khu vực sinh sống của cò cách tốt nhất là chèo thuyền luồn lách qua những bụi tre la đà mặt nước. Chiếc thuyền nhỏ đưa chúng tôi từ từ tiến về phía vườn cò cũng là lúc hoàng hôn đổ bóng nhuộn vàng khắp không gian. Từ phía chân trời, hàng ngàn con cò trắng sải cánh vội vã bay về tạo ra một cảnh tượng tuyệt vời, choáng ngợp. Chúng nghiêng mình chao liệng một hồi rồi mới đậu xuống, gọi bầy khiến cả một vùng trời rộn ràng những thanh âm hoang dã. Chỉ trong phút chốc màu xanh mướt của tre đã phủ trắng bởi bóng cò, con lớn, con bé đậu trĩu cả ngọn tre. Ông Tiêm gõ mạnh hai mái chèo vào be thuyền khiến đàn cò bay xao xác lộ ra rất nhiều tổ cò dày đặc phía trên. Một vài tổ đã có cò con hoảng hốt kêu gọi cò bố mẹ. Ông Tiêm cho biết, từ tháng 4 đến tháng 8 là thời điểm sinh sản của cò nên chúng tụ họp về rất đông. Sau mỗi mùa, đàn cò lại nhiều hơn và vườn cò lại phải mở rộng thêm để đủ chỗ cho chúng sinh sống.

Vừa chèo thuyền, ông Tiêm vừa chỉ cho tôi một số giống cò độc đáo nhưng thú thực tôi chẳng thể phân biệt được bởi vẫn còn đang mải miết nhìn ngắm bức tranh thiên nhiên kỳ thú trải ra trước mắt. Chưa bao giờ tôi được thấy nhiều cò đến thế. Thiên nhiên lúc này thật gần gũi, xúc cảm đến nao lòng. Ông Tiêm tâm sự: “Sống với lũ cò lâu năm cũng thấy gắn bó với chúng như người ruột thịt. Cò là loài rất khôn và tình nghĩa. Sở dĩ vùng này nhiều cò tìm về trú ngụ cũng bởi người dân ở đây có ý thức bảo vệ, không bao giờ săn bắn, giết hại. Yêu chúng, chăm sóc chúng thì chúng sẽ ở với mình lâu dài”.

Tạm biệt vườn cò Đông Xuyên, chúng tôi trở về nhà khi trời đã nhá nhem tối. Đàn cò về tổ và cũng là lúc đàn vạc cất cánh đi ăn đêm. Đây đó trong nhịp sống vội vã này vẫn có những chốn bình yên như thế để chúng ta tìm đến lắng đọng và rồi thấy yêu hơn, trân trọng hơn vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước, quê hương.
Bài và ảnh: Thương Huyền-BBN
Top