khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ Tư, 22/05/2013 - 13:38

Một cuộc hoa thơ kỳ thú

Cụ Nguyễn Cảnh Lâm (1876-1948) quê quán tại xã Phật Tích, huyện Tiên Du, sinh thành trong một gia đình có truyền thống Nho học và yêu nước. Năm 25 tuổi (1901) cụ thi đỗ Tú tài Nho học, nên nhân dân vẫn gọi là cụ Tú Tích.


Cụ Tú tài Nguyễn Cảnh Lâm thuộc lớp nhân sĩ trí thức Nho học cuối cùng của vùng đất khoa bảng Kinh Bắc, đã từng tham gia phong trào yêu nước Đông Kinh nghĩa thục, bị thực dân Pháp đày đi tù khổ sai ở Côn Đảo, đã từng làm nhiều thơ, văn, đối trướng bày tỏ lòng yêu  nước thương dân của mình nhưng rất tiếc là trải qua chiến tranh Di cảo văn thơ của cụ đã không còn lưu giữ được.

Tuy không trực tiếp tham gia hoạt động cách mạng, nhưng gia đình cụ vẫn là cơ sở rất tin cẩn của cách mạng. Trong cuốn: “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh” các trang 35, 37 và 117 có ghi rõ: “Cuối tháng 3/1945, Hội nghị quân sự Bắc Kỳ đã họp tại nhà cụ Tú Tích, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, dưới sự chủ trì của đồng chí Hoàng Quốc Việt, ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng. Dự Hội nghị có các đồng chí Trương Văn Linh mới học ở trường quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc) về, Nguyễn Văn Trân, Nguyễn Lương Bằng, Chu Văn Tấn, Ngô Thế Sơn, Lưu Đức Hiển, Nguyễn Khang, Lê Quang Đạo, Trần Độ. Hội nghị kiểm điểm việc chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, việc xây dựng các chiến khu, huấn luyện quân sự cho cán bộ”.  

Vừa qua tôi may mắn sưu tầm được trong Di cảo của cụ Huân phong Nguyễn Quốc Thiệm, Hội trưởng Hội thơ Chi Lan thị xã Bắc Ninh những năm 60-80 của thế kỷ XX. Bài thơ “Tự trào” của cụ Thiết Hán Nguyễn Cảnh Lâm (tức cụ Tú Tích) và 18 bài họa lại, 2 bài vịnh cụ Tú do Hội thơ Chi Lan tổ chức vào 10/1986. Nay hầu hết các tác giả họa thơ đều đã về cõi Tây Thiên cực lạc cả, tôi xin giới thiệu bài “Nguyên xướng” của cụ Tú Tích và một số bài họa lại để độc giả ngày nay nhớ lại một thú chơi tao nhã của các nho sĩ-Nhà thơ tỉnh ta những năm cuối thế kỷ XX.

TỰ TRÀO (Nguyên xướng)

Của cụ Thiết Hán Nguyễn Cảnh Lâm

Da đen, mặt rỗ, rậm râu mày

Không lúc nào không ngất ngưởng say

Hói trán, chẳng gờm mưa nắng gió

Rộng chân, từng trải biển non trời

Bút cùn, vẫn mạnh tô nên vẻ,

Khăn trắng, vì đâu trở suốt đời

Mượn mấy câu thơ thay nét vẽ,

Đố ai, ai biết lão là ai ?

* Thiết Hán: Nghĩa là đấng trượng phu mặt sắt.

Bài họa 1:

Tứ rỗ, tam hun, lại rậm mày

Tướng hùm u uất giả làm say

Chống thù đến cướp đi sông biển

Họp bạn cùng thu lại đất trời

Mang bút phò dân đòi luyến Tổ

Lấy khăn trở nước dục thương đời

Đông Kinh nghĩa thục rừng nhân sỹ

Tú Tích là ông chẳng thể ai.

Hồng Hải - Nguyễn Năng Định

Bài họa 2:

Dị nhân, quý tướng đẹp râu mày

Ngày tháng an nhàn chỉ những say

Say nước lầm than mong cứu nước

Say trời u ám muốn quang trời

Say mây gió Khám vui rừng cảnh

Say nước non Tiên trọn cuộc đời

Say tỉnh, tỉnh say, ai thế nhỉ

Túy ông Thiết Hán chứ còn ai !

Huân Phong - Nguyễn Quốc Thiệm

Bài họa 3:

Nước mất làng Nho sạn mặt mày

Ném tung trời đất hát và say

Long Tuyền thoáng dấn thân trong bụi

Côn Đảo sầu theo sóng cuối trời

Hận ngắm cờ đào vào Thái cực

Đành mang khăn trắng trở than đời

Cười thuê khóc mướn giùm thiên hạ

Hỏi khách quan hoài đó những ai?

Nam Hiên - Hoàng Văn Mạch

Để nối truyền thống Nho học của cụ Tú Tích và vùng văn hiến Kinh Bắc, cụ Nam Hiên Hoàng Văn Mạch lại dịch bài họa của mình ra Hán văn, chúng tôi phiên âm như sau:

Quốc táng Nho lâm diến thiểm hà,

Càn khôn nhất trịch phó hàm ca

Long Tuyền đả nhập phong trần nội

Côn Đảo can tòng lãng tế xa

Hận khán hồng kỳ phi Thái cực,

Kham tương bạch phạ phục sơn hà.

Tùy tình hiếu hỷ huy trù bút,

Kỷ điếu quan hoài thị tựu da ?

Nam Hiên - Hoàng Văn Mạch

Sưu tầm Di cảo Văn thơ của các bậc tiên hiền để “ôn cố tri tân”, hiểu thêm được sự thông tuệ và lòng yêu nước của thế hệ ông cha là một việc làm cần thiết và thiết thực bảo tồn Di sản bản sắc văn hóa dân tộc. Rất mong độc giả tiếp tục bổ sung cho được phong phú và đầy đủ hơn.

 

 Tài liệu tham khảo:

1. Di cảo của Hội thơ Chi Lan Bắc Ninh

2. Hồ sơ cụ Nguyễn Cảnh Lâm do cháu ngoại của cụ là Phạm Thị Hiển gửi Viện lịch sử Đảng.

3. Bài báo của cụ Lê Minh Nghĩa đăng báo Bắc Ninh ngày 1-2-2002.

4. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh trang 35, 37, 117.

5. Lịch sử Hà Bắc tập I trang 26.     

Nguyễn Khắc Bảo - BBN
Top