khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ Tư, 22/05/2013 - 13:58

Khả năng tạo hình phong phú của nét trong tranh đồ họa

Tôi tin rằng với mỗi họa sĩ, vẽ không chỉ là một niềm vui sướng, thanh thản, thăng hoa trong ngất ngây hỗn độn, say say trong thành quả của một nét, một góc tranh nào đấy. Mà còn là sự day dứt, dằn vặt trong sáng tạo không ngừng.


Bởi vì họa sĩ cũng như nhân sĩ tiến bộ còn hay bị trói buộc bởi các quan niệm cũ kỹ, quen thuộc, nhàm chán đến lạc hậu, rất mong muốn được giải thoát khỏi nó. Bớt chợt hai chữ hoài nghi xuất hiện, chỉ có hoài nghi mới có đặc tính gắn liền với bất toàn và bất định, trở thành cứu cánh không thể tách rời của chân lý. Chính hoài nghi đã thổi hồn, làm sống động, làm cho sự uyển chuyển được mềm dẻo hơn, tỉnh thức hơn. Khi lý trí của ta được hoài nghi, lý trí sẽ quay lại, ngoảnh hẳn mặt để đối diện tự vấn chính mình, làm lay động cái tinh thần bị mệt mỏi, ngủ quên. Hãy mạnh dạn nghi ngờ chính mình, nghi ngờ là tiền thân tìm ra chân lý mới, sáng tạo mới chỉ có hoài nghi mới là khởi đầu của tiến bộ, là sự giải phóng lý trí triệt để nhất. Vì thế hoài nghi là linh hồn của mọi hành động nghiên cứu, tìm tòi…

Thực ra đồ họa bằng đường nét đã có từ khi loài người nguyên thủy, thông qua chiêm nghiệm, từng trải trong đời sống hoang dã trước thiên nhiên, đã ghi lại đánh dấu bằng đường nét, hoặc ký tự trên các hang động về kinh nghiệm săn bắn cho thế hệ sau-chẳng biết khi mới có vạch vẽ khắc khoét thì người nguyên thủy gọi là gì? Khi có chữ viết thì nhân loại gọi thế nào? Còn ngày nay thì chúng ta cứ gom tất cả gọi là đồ họa cổ-Còn gần đây, từ đồ họa được giới mỹ thuật mổ xẻ kỹ hơn, đang trao đổi để đi đến thống nhất.

Chẳng biết từ bao giờ, người ta đã vạch vẽ được một đồ hình gồm hai mảng đen trắng, có lẽ không có hình đồ nào để thay thế mà biểu đạt được tư duy trừu tượng rằng: Vạn vật trong vũ trụ vừa mâu thuẫn lại vừa thống nhất, vừa tĩnh tại lại vừa chuyển động? Đó là hình Thái Cực Đồ (H1). Chỉ có Thái Cực Đồ! Một âm! Một dương! Lẫn trong cùng một vòng tròn tức là vừa “một phân làm hai” lại vừa “hợp hai làm một”. Một trắng một đen (một âm một dương) trong âm có dương, trong dương có âm. Điều đó buộc ta phải suy tưởng mà dẫn đến những hình tượng: Vừa bài xích nhau, vừa dung nạp nhau-vừa tranh nhau lên trước, vừa nhường nhau đứng sau-vừa ôm nhau lại vừa đẩy nhau ra để phát triển-che đậy nhau đấy mà lại không làm khuất lấp nhau-thật là nhân văn khôn lường, mọi vật thể vừa dưỡng nhau, nhường nhau rồi cùng thiên nhân hợp nhất, hòa mình vào vũ trụ để hóa và phát triển.

Qua đó, ta thấy tính ước lệ, được khái quát đến bất ngờ trong hình tròn của Thái Cực Đồ, có thể nói tính đồ họa nó có sẵn trong dòng máu phương đông. Nó chỉ đạo quán xuyến trong toàn bộ sinh hoạt, trang trí đời sống. Tính đồ họa bằng đường nét có cả trong tranh lẫn tượng, khác hẳn với phương Tây. (Có lẽ vì lý do sáng tạo của hội họa mà một số hoạ sĩ đã sang nghiên cứu tranh tượng của phương Đông).

Sáng tạo là nguồn cơn khẳng định, phong cách là sự vinh danh chính mình ở một tầm nào đấy trong hoạt động mỹ thuật, góp phần hòa mình cùng đất trời, sinh hoa kết trái-vì sáng tạo là góp phần cùng đấng quyền năng tạo ra một thế giới mới.

Kỹ thuật tạo hình bằng đường nét (ngắn, dài, cong, thẳng, thanh mảnh, đậm nhạt)

Những nét thẳng đậm hoặc nhạt đè nhau:

Cách làm là kẻ các nét tạo khe hở rộng hẹp, đường hướng khác nhau-khi kẻ lần thứ hai đè lên cũng nhắc lại các cách kẻ trước, tùy theo cảm xúc về rộng hẹp. Cách này sẽ tạo ra một không gian rất mới lạ, rất sinh động trong giao cảm thật huyền ảo tự nhiên, nó luôn biến dạng không gian như xô đẩy, lệch lạc, méo mó đến khó tả, tạo ra những âm hưởng và chất trong không gian thật đa dạng mà không thể làm lại được (H2).

Các nét nhỏ chập đôi hay chập 3, 4 (như ngọn bút kẻ khuông nhạc).

Khi ta đang vẽ bằng kiểu bút nhiều nét răng cưa này, cho một bức ký họa phong cảnh chẳng hạn-lập tức ta sẽ có một bức tranh cực lạ ký như là vẽ đi vẽ lại hàng chục lần. Vì những nét díu chập nhau ở một đường cua gẫy khúc hay mở rộng ra uốn lượn thành vòng xuyến nào đó (H3).

Nét đậm ở xa và nét mờ ở gần:

Thông thường người ta vẫn làm nét gần thì đậm, nét xa thì mờ, nhỏ, nhạt-trong trường hợp này ta làm ngược lại bằng các nét đậm ở xa nhất và thu nét nhỏ dần về cận cảnh bằng các khoảng cách của nét to nhỏ không đều, thậm chí xen kẽ cả đoạn thẳng ngắn và đường nét run run trùng nhau làm ta thấy rõ ở xa thì rất đậm mà ở gần thì nét lại loãng, nhỏ, lỏng, vụn, tạo thành một không gian mới. (H4)

Đúng là đi tìm phương pháp diễn tả đường nét trong đồ họa thật vô cùng phong phú và chẳng bao giờ cạn. Các bậc tiền bối đã dày công vun đắp, lao động không ngưng nghỉ, nhiệt huyết không mảy may lạnh nguội. Hai chữ sáng tạo thật bí hiểm, nhưng rất rộng và mở ra nhiều chiều, làm ta thèm khát và không thể lạnh lùng được.
Minh Đạt
Top