
Sân khấu và thủy đình của rối nước được lắp đặt trên cạn, phía sau Tượng đài Lý Thái Tổ (thành phố Bắc Ninh) để phục vụ khán giả trong dịp kỷ niệm 15 năm tái lập tỉnh.
Là một trong 14 phường rối nước dân gian của cả nước hiện còn hoạt động với nhiều hình thức, tiết mục đặc sắc, phong phú, song việc mở rộng đất diễn cũng là vấn đề khiến các thành viên trong phường rối nước Đồng Ngư phải trăn trở. Gần đây, nhờ có sự cơ động, linh hoạt trong kỹ thuật tạo dựng sân khấu và thủy đình trên cạn mà công chúng khán giả có điều kiện được xem phường rối nước Đồng Ngư biểu diễn nhiều hơn.
Từ các lễ hội truyền thống như hội Lim, lễ hội Kinh Dương Vương, hội chùa Dâu, Festival Bắc Ninh 2010, Hội Xuân... cho đến những sự kiện chính trị văn hóa lớn của tỉnh đều có sự góp mặt của phường rối nước Đồng Ngư. Được biết, chi phí đầu tư mua sắm trang thiết bị cho việc lắp đặt sân khấu trên cạn khoảng hơn 100 triệu đồng. Có cơ sở vật chất rồi thì chỉ cần một mặt bằng với diện tích khoảng 20m2 và chừng 35-40m3 nước là đủ điều kiện để có một thủy đình cho những con rối thỏa sức biểu diễn, phục vụ khán giả.
Ông Nguyễn Đăng Dung, Chủ nhiệm phường rối nước Đồng Ngư chia sẻ: Việc tạo dựng sân khấu với thủy đình trên cạn sẽ cơ động và thuận lợi hơn, giúp phường rối có thể đến phục vụ bà con ở những địa bàn ít có hồ, ao như khu vực thành phố hay vùng rừng núi… Bên cạnh đó, để tạo sự hấp dẫn riêng và chinh phục khán giả, phường rối nước Đồng Ngư còn lồng ghép những làn điệu Dân ca Quan họ vào trong các tích trò. Trên nền âm thanh dìu dặt, ngọt ngào của những làn điệu Dân ca Quan họ, những con rối sẽ thỏa sức tung tẩy và thăng hoa. Đó là những đổi mới cơ bản để rối nước Đồng Ngư có thêm đất diễn, thu hút khán giả và tiếp tục gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa độc đáo của quê hương.
Sự đổi mới, phát triển từ hình thức sân khấu đến âm thanh, ánh sáng, tích trò… là cần thiết để nghệ thuật rối nước thu hút được khán giả, nhất là khán giả trẻ. Thế nhưng nhiều người lại cho rằng, rối nước đích thực phải là nghệ thuật của ao làng. Hồn vía rối cổ phải được gắn liền với không gian làng quê vùng châu thổ đồng bằng sông Hồng, với nền văn minh lúa nước, với hội hè đình đám xuân thu nhị kỳ, đến hẹn lại lên. Cho nên, những việc “làm mới” rối nước với “sân khấu và thủy đình trên cạn” như thế là phá hỏng không gian gốc-cái ao làng, từ đó làm biến dạng nghệ thuật rối nước, mất đi hồn văn hóa dân tộc và vẻ đẹp nguyên thủy của rối nước.
Các nghệ nhân phường rối nước Đồng Ngư chỉnh lại các con rối để chuẩn bị biểu diễn ở lễ hội chùa Dâu 2013.
Không riêng gì rối nước Đồng Ngư mà rất nhiều nghệ thuật sân khấu truyền thống khác cũng đang tìm cách đổi mới để mở mang đất diễn, hút khán giả trở lại. Thực tế, muốn đưa nghệ thuật múa rối nước đến gần hơn với khán giả thì nhất định phải đổi mới, phát triển nhưng vẫn giữ được giá trị truyền thống, không làm biến dạng vẻ đẹp của môn nghệ thuật đặc sắc này là điều mà chính các nghệ nhân của phường rối Đồng Ngư cũng đang băn khoăn.
Cụ Nguyễn Bá Quảng, 85 tuổi và có hơn 60 năm gắn bó với nghệ thuật múa rối nước Đồng Ngư tâm sự: Sân khấu và thủy đình trên cạn tuy hiện đại và có nhiều thuận lợi song ao làng mới chính là sân khấu thực sự của nghệ thuật múa rối nước. Chỉ ở ao làng với sự cộng hưởng, hòa quện của nhiều yếu tố như: phong cảnh, những thanh âm cuộc sống sinh hoạt làng quê hồn hậu cùng tấu lên làm nền thì những con rối mới phô tả hết vẻ đẹp của nó. Khán giả thì không những được xem mà còn có thể cảm nhận hồn văn hóa của dân tộc Việt Nam.
“Tôi nghĩ, một yếu tố cần chú trọng cải tiến nhất chính là việc tạo tác những quân rối phải có khả năng biểu đạt cao. Để từ đó sáng tạo thêm những tích trò mới, chuyển tải và phản ánh sinh động cuộc sống hiện thực với vô số hiện tượng mới nảy sinh trong đời sống bây giờ. Có như thế, rối nước mới hấp dẫn được khán giả mà vẫn gìn giữ được vẻ đẹp hồn cốt bản thể của nó. Nhưng nói là vậy, chứ để thực hiện được điều này không dễ. Vì những người có khả năng tạo hình quân rối hiện nay rất ít”. - Cụ Quảng cho biết thêm.
Cách tân, cải tiến để đưa nghệ thuật múa rối nước đến gần hơn với công chúng là điều đáng trân trọng. Nhưng làm sao để múa rối nước “bắt vít” vào cuộc sống đương đại mà vẫn giữ được hồn cốt nguyên thủy với sự chân chất thô mộc ngàn đời của nó là một việc không đơn giản và hẳn là không phải của riêng các nghệ nhân phường rối.