khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ ba, 28/05/2013 - 08:45

Internet - Chìa khóa mở cửa tri thức cho nông dân

Internet đã trở nên quen thuộc và thậm chí là một nhu cầu không thể thiếu của nhiều người. Thế nhưng, ý nghĩa của Internet thực sự lớn hơn khi công cụ này đã len lỏi đến mọi miền làng quê và trở thành chìa khóa giúp nông dân tiếp cận kho tri thức vô tận.


internet chia khoa mo cua tri thuc cho nong dan
Internet đã mang lại nhiều lợi ích cho anh Đào Tiến Thịnh trong hoạt động kinh doanh và cuộc sống thường ngày.


Theo thống kê từ nhà mạng Viễn thông Bắc Ninh, đến thời điểm hiện tại, số thuê bao Internet ở Bắc Ninh đã lên đến gần 34.000 thuê bao, trong đó có nhiều thuê bao người dùng ở khu vực nông thôn. Mặc dù quá trình tìm hiểu và tiếp cận thế giới công nghệ của mỗi người nông dân có khác nhau nhưng tựu trung lại họ đều bị hấp dẫn bởi sự phong phú mà thế giới mạng mang lại.

Đến thôn Chè, xã Liên Bão, huyện Tiên Du, có thể thấy nhiều hộ gia đình ở đây đã trang bị ít nhất một chiếc máy tính để bàn hoặc máy tính xách tay. Được biết, năm 2011, hơn 30 nông dân của xã đã được tham gia lớp đào tạo sơ cấp tin học văn phòng của Trung tâm dạy nghề huyện. Qua lớp học này, nhiều nông dân đã thấy được sự hữu ích khi biết sử dụng máy tính và mạng Internet.

Theo ông Nguyễn Đăng Kiểm, Phó Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện, ngay từ khi thành lập năm 2007, Trung tâm đã xác định tầm quan trọng của công nghệ thông tin và đưa vào chương trình đào tạo nghề các lớp tin học văn phòng. Do điều kiện trang thiết bị còn thiếu, những lớp học ban đầu được tổ chức ngay tại trung tâm. Để phổ biến cho nông dân dễ hiểu dễ nhớ, giáo viên của trung tâm phải chỉ dạy tỉ mỉ và bổ sung cán bộ để kèm cặp từng thao tác cho mỗi học viên. Đến nay, Trung tâm đã di chuyển máy móc và mở lớp tại các địa phương nhằm tạo điều kiện cho nông dân đến lớp đầy đủ.

Ông Nguyễn Đăng Kiểm cho biết thêm:  “Dạy nghề tin học đối với những người trẻ vốn đã khó, đối với nông dân lại càng gặp nhiều khó khăn bởi trình độ của người nông dân không đồng đều. Trong khi môn học này đòi hỏi nhiều kỹ năng cả về ngoại ngữ và sự nhanh nhạy”. Vì thế, lúc đầu, chính ông Kiểm cũng cho rằng, tin học cho nông dân là một điều xa vời và không phù hợp. Nhưng sau khi khảo sát nhu cầu trực tiếp của nông dân, Trung tâm nhận thấy họ rất mong muốn được tìm hiểu công nghệ và lãnh đạo địa phương cũng khá ủng hộ. Để đáp ứng nhu cầu của học viên, hơn 6 năm qua, Trung tâm dạy nghề huyện Tiên Du đã mở 10 lớp về tin học cơ bản cho khoảng 300 lượt học viên.

Chị Đào Thị Hạnh, thôn Chè, xã Liên Bão chia sẻ: “Trước khi tham gia lớp đào tạo của Trung tâm dạy nghề, tôi mới chỉ biết một vài thao tác sử dụng máy tính do đứa con lớn hướng dẫn. Vì vậy, sau khi được đào tạo bài bản, tôi đã có thể sử dụng thành thạo công cụ này. Bản thân tôi rất mong muốn tiếp cận máy tính để mình không bị lạc hậu với thời đại. Hàng ngày, tôi vẫn đọc báo mạng thường xuyên và nhiều người làng này bây giờ cũng mở mạng tra cứu thông tin.

Còn anh Đào Tiến Thịnh, một người dân thôn Chè khác lại ứng dụng Internet vào việc kinh doanh, sản xuất của chính mình: “Khi còn kinh doanh, Internet đã giúp chúng tôi tiết kiệm nhiều tiền của và công sức. Trong quá trình giao dịch với đối tác ở nước ngoài, chúng tôi có thể trao đổi qua email mà không phải gửi nhận giấy tờ bằng ô tô hoặc sang tận nơi. Đến nay khi đã thôi buôn bán, tôi vẫn có thói quen sử dụng mạng trong đời sống hàng ngày để tìm đọc những thông tin bổ ích”.

Trong xu thế hiện đại, Internet được xác định là kỹ năng mềm giúp nông dân tự tìm kiếm thông tin và nâng cao kiến thức. Việc sử dụng thành thạo kỹ năng này mang lại cho nông dân những thông tin quan trọng trong thực tế sản xuất và làm ăn kinh tế, từ đó phát triển những nghề họ đã có hoặc tìm kiếm thêm một số nghề mới phù hợp với điều kiện và khả năng của mình. Đồng thời, họ có thể cập nhật kỹ thuật chăm sóc một số vật nuôi, cây trồng, thông tin giá cả các mặt hàng hay gửi thông tin về làm ăn với nhau. Vì vậy, các cơ sở dạy nghề cần triển khai rộng rãi lớp đào tạo tin học cơ bản sát với nhu cầu thực tế và trình độ của người học để Internet thật sự trở thành người bạn hữu ích của nông dân.
Bài, ảnh: Huyền Thương - BBN
Top