khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ hai, 10/06/2013 - 09:35

Chỉ số giá tiêu dùng giảm 3 tháng liên tiếp - Những vấn đề cần quan tâm

Trong tháng 5, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tỉnh tiếp tục giảm 0,33% so với tháng trước, là tháng thứ 3 liên tiếp CPI giảm với tổng mức giảm là 0,6% (tháng 3 giảm 0,03%; tháng 4 giảm 0,24%. Đây là lần đầu tiên CPI giảm liên tiếp 3 tháng kể từ nhiều năm trở lại đây.

Nguyên nhân chính khiến CPI 3 tháng giảm liên tiếp và 5 tháng đầu năm tăng thấp (chỉ tăng 2,38%) là do giá nhóm hàng ăn, dịch vụ ăn uống đóng vai trò quan trọng nhất vì chiếm quyền số 38,1% trong CPI lại bị giảm mạnh với mức giảm là 3,31% (giảm gấp hơn 5 lần so với mức giảm chung của các nhóm hàng hóa). Trong đó, riêng nhóm thực phẩm chiếm quyền số gần 28,9% này giảm tới 5,18%. Kết quả này phản ánh rõ nét sức mua bị sụt giảm mạnh khi người dân thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh nền kinh tế vẫn chưa có những dấu hiệu cải thiện rõ rệt. Cụ thể, trong tháng 5, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 1% so tháng trước; tháng 4 cũng tăng 1,5%; tháng 3 giảm 1,3%... Tính chung 5 tháng đầu năm ước tăng 15,6% so cùng kỳ (nếu loại trừ yếu tố tăng giá tiêu dùng bình quân) thì chỉ tăng 3,6%, khá thấp so với nhiều năm trước. Mặt khác, thực trạng tín dụng tăng trưởng thấp, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong đó nhiều doanh nghiệp đã phá sản, hàng tồn kho lớn nên phải hạ giá bán, cộng với vốn đầu tư phát triển của Nhà nước do địa phương quản lý sau 5 tháng giảm 18,6% so cùng kỳ năm trước… Cầu tiêu dùng, cầu sản xuất giảm cũng là các nguyên nhân khiến CPI âm liên tiếp trong 3 tháng và không thể tăng cao trong 5 tháng đầu năm.

Với diễn biến về CPI như trên cho thấy, lạm phát đã được kiềm chế. Việc kiềm chế lạm phát đã phát đi nhiều tín hiệu. Đây là tín hiệu vui cho người tiêu dùng, nhất là những người nghèo, người có thu nhập bằng tiền cố định, đặc biệt là những người bị mất việc làm, thiếu việc làm do cơ sở kinh tế bị ngừng hoạt động, phá sản hoặc bị thu hẹp sản xuất kinh doanh. Đồng thời là cơ sở để các nhà hoạch định chính sách, quản lý, điều hành vĩ mô yên tâm hơn khi có điều kiện để đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế và thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường…

Bên cạnh tác động tích cực, CPI 3 tháng liên tục giảm và 5 tháng tăng thấp cũng đặt ra một số vấn đề đáng lưu ý khi mà tổng cầu tiếp tục bị suy giảm mà hiệu ứng của nó là suy giảm tăng trưởng tín dụng. Điều này cho thấy việc cần khắc phục các điểm nghẽn của nền kinh tế bị chậm (nợ xấu, tồn kho, bất động sản), tăng trưởng kinh tế bị suy giảm về tốc độ. Sản xuất kinh doanh vẫn còn khó khăn, doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản tiếp tục diễn ra với số lượng lớn; số doanh nghiệp còn hoạt động thì phần nhiều chỉ sản xuất mang tính chất cầm chừng…

 Theo ông Nguyễn Xuân Chín, Phó Giám đốc Sở Công Thương  thì diễn biến của CPI từ đầu năm đến nay cho thấy bên cạnh kết quả của chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vẫn còn nhiều quan ngại, trong đó nổi lên vấn đề giá giảm nhưng sức mua giảm, hàng tồn kho cao, hoạt động của doanh nghiệp đình trệ… Do vậy cần có những giải pháp mạnh hơn để tạo cầu tiêu dùng hàng hóa, gỡ khó cho doanh nghiệp và nền kinh tế như: Tập trung tạo sức mua, tăng nguồn cung bằng giải pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp và thị trường. Theo đó, cần hạ lãi suất vay tín dụng, khoanh nợ, giãn nợ đồng thời với các gói kích thích tiêu dùng để giảm hàng tồn kho, khơi thông thị trường bởi lực cầu hiện nay cũng đang rất yếu… Có như vậy thì mới giải quyết hài hòa khó khăn của doanh nghiệp hiện nay dựa trên cơ chế thị trường, sự vận hành của thị trường.
Thanh Ngân -BBN
Top