khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ hai, 10/06/2013 - 11:03

Phụ nữ Bắc Ninh nâng cao nhận thức để phòng ngừa mua bán người

Bằng các hình thức lồng ghép, đa dạng hóa các hoạt động truyền thông về phòng ngừa mua bán người trong từng mô hình cụ thể, sau 3 năm được triển khai và đi vào hoạt động, các CLB Phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em tổ chức nhiều hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng.

Những năm qua, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Hội, Hội LHPN Bắc Ninh đã tích cực chỉ đạo tổ chức nhiều hoạt động phòng, chống mua bán người một cách sâu rộng. Cụ thể như khảo sát thực trạng phụ nữ, trẻ em đi khỏi địa phương không rõ lý do và bị buôn bán, thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, xây dựng điểm CLB Phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em. Đặc biệt chú trọng thành lập các mô hình nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa, đấu tranh của người dân đối với hoạt động của tội phạm.

Từ đầu năm 2010, các huyện Tiên Du, Yên Phong thành lập CLB Phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em, đến nay đã ra mắt được 3 CLB tại các xã Liên Bão, Đại Đồng, Cảnh Hưng (huyện Tiên Du) với tổng số gần 100 thành viên, sinh hoạt định kỳ 3 tháng/lần. CLB góp phần tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư kiến thức về chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước như Luật Hôn nhân - Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, pháp luật về buôn bán phụ nữ, trẻ em, phòng, chống ma tuý… CLB còn cung cấp thông tin liên quan giúp chị em phụ nữ, người dân nâng cao nhận thức về các thủ đoạn của bọn buôn bán phụ nữ, trẻ em và đấu tranh phòng, chống tội phạm thông qua các hoạt động truyền thông cộng đồng.

Truyền thông phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em tại xã Đại Đồng (Tiên Du).
Truyền thông phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em tại xã Đại Đồng (Tiên Du).



Ngoài ra, CLB là địa chỉ tin cậy giúp nạn nhân của tội phạm này trở về tham gia sinh hoạt, xóa bỏ mặc cảm, tự tin hòa nhập cộng đồng. Các chị em trong CLB cũng thường xuyên giúp đỡ những nạn nhân bị buôn bán trở về có hoàn cảnh khó khăn về giống, vốn, cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế, giúp họ yên tâm ở lại địa phương sinh sống.

Các CLB thường xuyên thay đổi hình thức sinh hoạt phong phú, sáng tạo, hấp dẫn như: dàn dựng tiểu phẩm vui, bốc thăm trả lời câu hỏi, sáng tác thơ, nhạc về đề tài xây dựng gia đình hạnh phúc, lên án các hành vi buôn bán người, góp phần quan trọng giúp các thành viên CLB hiểu rõ và nêu cao ý thức trách nhiệm của cá nhân trong việc phòng, chống tệ nạn này.

Để giúp các CLB có tài liệu tuyên truyền và thực hiện tốt nội dung phòng, chống buôn bán người, Hội LHPN tỉnh đã chuyển tài liệu sinh hoạt xuống các câu lạc bộ, cấp phát 440 cuốn sổ tay hỏi đáp pháp luật, tuyên truyền và trên 16.500 tờ rơi, áp phích với các nội dung liên quan đến cán bộ, hội viên.

Qua khảo sát từ năm 2010 trở về trước có rất nhiều chị em phụ nữ trong độ tuổi từ 19 đến 35 vì hoàn cảnh gia đình khó khăn hay tự ý đi khỏi địa phương không thông báo với gia đình, với chính quyền. Nhiều người đi làm ăn xa, do nhẹ dạ cả tin dễ bị lừa, bán. Đặc biệt nổi lên vụ 5 chị bán muối ở xã Cảnh Hưng (Tiên Du) bị lừa bán sang Trung Quốc hiện có 3 chị đã trở về địa phương lập gia đình làm ăn sinh sống ổn định; chị Đào Thị Đon ở xã Mỹ Hương (Lương Tài) bị lừa bán sang Trung Quốc 12 năm đã trở về địa phương được Hội Phụ nữ xã giúp đỡ, vận động hội viên quyên góp, ủng hộ xây dựng Mái ấm tình thương trị giá 23 triệu đồng.

Những năm trở lại đây, nhờ nâng cao ý thức cảnh giác, một số vụ buôn bán phụ nữ, trẻ em nhanh chóng được phát hiện giải cứu kịp thời. Nhờ sự can thiệp kịp thời của gia đình, bạn bè, người thân mà đầu năm 2012 có 3 học sinh ở xã Cảnh Hưng là Nguyễn Thị Liên (sinh năm 1994), Trần Thị Hoa (sinh 1991), Nguyễn Thị Hải (sinh 1994) đi chơi và bị bạn xấu rủ lên Lạng Sơn, đã trở về nhà an toàn và tiếp tục đến trường.

Ngoài duy trì tốt các mô hình điểm, tỉnh Hội triển khai hoạt động phòng, chống mua bán người gắn với dạy nghề tại các huyện, thị, thành Hội cho nữ thanh niên có nguy cơ cao học nghề tạo việc làm, ổn định kinh tế. Đến nay, đã tổ chức được 136 lớp dạy nghề cho 4.314 chị em với các nghề như: May dân dụng, trồng nấm, mây tre đan, nấu ăn… Nhiều chị tự tin với tay nghề của mình đã xin vào các khu công nghiệp hoặc tự mở cửa hàng.

Để giúp cho chị em là nạn nhân, đối tượng nguy cơ cao có vốn phát triển sản xuất, Hội đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách Xã hội giúp đỡ được 41 nạn nhân hòa nhập cộng đồng vay với số tiền 289 triệu đồng để phát triển kinh tế ổn định cuộc sống. 10 chị là nạn nhân bị buôn bán trở về, được vay 23 triệu đồng từ nguồn quỹ Hội.

Với việc tiếp tục duy trì tốt và nhân rộng các mô hình CLB “Phụ nữ với pháp luật”, CLB “Gia đình hạnh phúc”, “Câu lạc bộ Phòng, chống tội phạm, TNXH”, mô hình “5 không, 3 sạch” và các tổ “Tín dụng tiết kiệm”… ngày càng góp phần nâng cao kiến thức, hiểu biết cho phụ nữ để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em.

“Toàn tỉnh hiện có 28 CLB “Phụ nữ với pháp luật” với 894 thành viên; 83 CLB “Gia đình hạnh phúc” quy tụ 3.184 cặp vợ chồng tham gia; xây dựng 110 tủ sách của Hội tại 8/8 huyện/thị/thành phố; 1.188 tổ “Tín dụng tiết kiệm” hỗ trợ chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn với số tiền là 823,063 triệu đồng”.

BBN
Top