Hiện tại, việc thực hiện dự án vẫn đang gặp vướng mắc ở khâu giải phóng mặt bằng. Các cấp, các ngành của thị xã Từ Sơn, phường Châu Khê đang tập trung cho công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ủng hộ dự án để ngay sau vụ Xuân này sẽ tiến hành thu hồi đất, giải phóng mặt bằng xây dựng Nhà máy. Phóng viên Báo Bắc Ninh đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Quỹ, Chủ tịch UBND Thị xã, Chủ tịch Hội đồng đền bù, giải phóng mặt bằng về những vấn đề còn “vướng mắc” của dự án Nhà máy xử lý nước thải Từ Sơn.

Toàn bộ quy trình Nhà máy xử lý nước thải Từ Sơn trong nhà kín không gây ô nhiễm với môi trường chung quanh.
Phóng viên: Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết Khu phố Trịnh Nguyễn nhiều năm liền là khu phố văn hóa, Chi bộ trong sạch vững mạnh, tuy nhiên, ở đây có hiện tượng một số phần tử xúi giục, kích động người dân không ủng hộ dự án, tổ chức khiếu kiện vượt cấp, đông người. Thị ủy- UBND Thị xã xử lý vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Quỹ: Dự án xây dựng Nhà máy xử lý nước thải tại xứ đồng Lỗ Vó- Dạ Cá, Khu phố Trịnh Nguyễn, phường Châu Khê là một công trình phúc lợi xã hội nhằm góp phần cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Thị xã Từ Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chấp thuận chủ trương đầu tư tại văn bản số 1161/Ttg- KTN ngày 16-7-2009. Quá trình thực hiện công tác lập hồ sơ thu hồi đất và phương án đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) UBND thị xã chỉ đạo các ban, ngành, địa phương tiến hành đầy đủ các bước quy trình theo đúng quy định của Luật Đất đai năm 2003 và các văn bản quy phạm pháp luật. Hội đồng GPMB phối hợp với Đảng ủy, UBND phường Châu Khê tổ chức 02 buổi họp với toàn thể đảng viên khu phố Trịnh Nguyễn; 02 buổi họp với các hộ dân có đất bị thu hồi để tuyên truyền chủ trương thu hồi đất và giải thích các chế độ chính sách của Nhà nước về công tác đền bù GPMB.
Việc triển khai thực hiện dự án xây dựng Nhà máy xử lý nước thải sở dĩ chậm tiến độ do một số đảng viên chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của dự án nên công tác vận động quần chúng chưa tốt, mang nặng tâm lý né tránh, ngại va chạm. Một số quần chúng dù không có đất bị thu hồi song do bị lôi kéo, xúi giục đã tham gia khiếu kiện vượt cấp, đông người.
Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Thị ủy- UBND thị xã thành lập các tổ công tác một mặt làm công tác dân vận để dân hiểu, dân tin, dân ủng hộ dự án song cũng kiên quyết xử lý nghiêm minh các đối tượng có hành vi chống phá gây mất an ninh trật tự, ổn định chính trị tại cơ sở. Trong 2 ngày 5 và 6-6, đã có 9 đối tượng có hành vi gây ảnh hưởng đến an ninh địa phương được cơ quan công an gọi hỏi, nhắc nhở. Nếu các đối tượng này tiếp tục có các hành vi gây rối, chống phá, cơ quan chức năng tiến hành xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật.
Phóng viên: “Trăm nghe không bằng một thấy”. Thị xã đã tổ chức cho cán bộ, đảng viên và người dân 3 lần đi thăm quan các Nhà máy xử lý nước thải để thấy rõ dự án tại địa phương mình có công nghệ hiện đại hơn, tính ưu việt nổi trội hơn. Phải chăng người dân chưa đồng thuận cao ủng hộ dự án do còn có những khúc mắc khác chưa được giải quyết thỏa đáng?
Cán bộ, đảng viên khu phố Trịnh Nguyễn thăm quan mô hình nhà máy xử lý nước thải tại thành phố Bắc Ninh.
Ông Nguyễn Văn Quỹ: Trong các buổi họp với chi bộ cũng như người dân có ý kiến phản đối, đơn kiến nghị chuyển vị trí xây dựng nhà máy ra xa khu dân cư. Mặc dù vị trí xây dựng cách hơn 100 m (tiêu chuẩn 30m), đơn vị tư vấn, ngành Tài nguyên- Môi trường đã có văn bản khẳng định việc xây dựng Nhà máy không ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân song vẫn chưa nhận được sự đồng thuận cao là do còn có một số phần tử chống đối. Bản thân một số cán bộ, đảng viên của Trịnh Nguyễn dù được đi thăm quan, thấy rõ lợi ích của dự án, thấy rõ là không gây ảnh hưởng tới môi trường sống của người dân nhưng không giải thích được với người dân. Điều này cho thấy sự yếu kém của hệ thống chính trị tại cơ sở, chưa đoàn kết thống nhất chỉ đạo Thị ủy, UBND thị xã đã nghiêm túc rút kinh nghiệm và vẫn tiếp tục tuyên truyền thông qua hệ thống truyền thanh, chiếu phim tuyên truyền trực quan để mọi người dân hiểu rõ.
Qua rà soát toàn bộ văn bản, hồ sơ pháp lý của dự án có thể khẳng định các bước tiến hành đền bù, GPMB được thực hiện chặt chẽ, đúng trình tự pháp luật. Việc xây dựng Nhà máy xử lý nước thải tại Châu Khê là sự lựa chọn tối ưu bởi khu vực xứ đồng Lỗ Vó-Dạ Cá có địa hình trũng thấp so với mặt bằng địa hình chung của Thị xã gần Trạm bơm tiêu thoát nước của cả vùng. Hơn nữa ở đây có làng nghề và Cụm công nghiệp sản xuất sắt thép từ lâu là điểm nóng về ô nhiễm môi trường nước thải, khí thải, nước ngầm gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống và sinh hoạt của người dân. Có thể khẳng định: Người dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp ở Châu Khê sẽ được hưởng lợi cũng như thấy rõ tính ưu việt của dự Nhà máy xử lý nước thải khi đưa vào vận hành.
Phóng viên: Việc chậm trễ trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ dự án mà còn tác động đến môi trường thu hút đầu tư vào thị xã. Vấn đề đặt ra ở đây: Có dấu hiệu lợi dụng dự án để đưa ra những đòi hỏi khác hay không?
Ông Nguyễn Văn Quỹ: Thị xã Từ Sơn với nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội cùng sự năng động của người dân đang có những bước phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, hướng tới mục tiêu không chỉ là đầu tầu kinh tế của tỉnh mà còn trở thành một đô thị hiện đại, văn minh trong tương lai. Trước thực tế đó, Từ Sơn có sức hút đầu tư lớn đối với không chỉ các doanh nghiệp trong nước mà cả nước ngoài. Đến nay, Thị xã có 3 KCN tập trung, 11 Cụm công nghiệp vừa và nhỏ cùng hàng chục làng nghề truyền thống. Tuy đã có nhiều cố gắng, bằng nhiều nguồn lực từ cấp trên cũng như nội lực của thị xã song hạ tầng kinh tế- xã hội của Từ Sơn vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển.
Việc chậm trễ trong triển khai dự án tại Châu Khê không chỉ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, gây thiệt hại cho chủ đầu tư mà ngay cả người dân cũng chịu nhiều thiệt thòi vì đây là công trình phúc lợi xã hội.
Thực tế chúng tôi cũng nhận được một số khúc mắc của người dân về hạ tầng xã hội như: cải tạo đường điện, đường giao thông nội đồng… Đây là những vấn đề người dân đòi hỏi hoàn toàn chính đáng song về thủ tục đầu tư, nguồn vốn lại phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách và cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thị xã luôn cố gắng tranh thủ kinh phí không chỉ của cấp trên mà cả của doanh nghiệp với quyết tâm hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kinh tế- xã hội để không chỉ góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng mà quan trọng nhất là cải thiện môi trường sống lành mạnh, văn minh cho người dân.
Phóng viên: Trong tình huống “xấu nhất” phải cưỡng chế thì UBND thị xã xử lý như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Quỹ: Hiện tại, các tổ công tác của Thị xã vẫn tiếp tục tổ chức vận động người dân. Tới đây, Thị ủy- UBND thị xã sẽ tiến hành triệu tập cuộc họp chi bộ Trịnh Nguyễn (phiên họp bất thường) để yêu cầu các đảng viên chịu trách nhiệm vận động người thân chấp hành việc nhận tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng. Khi người dân thu hoạch lúa xong, Chủ tịch UBND Thị xã trực tiếp đối thoại với người dân. Tuy nhiên, quan điểm nhất quán là vị trí xây dựng nhà máy, chủ trương xây dựng nhà máy là bất di bất dịch.
Trong trường hợp bất khả kháng mới phải xử dụng phương án cưỡng chế. Nếu việc này xảy ra, thị xã sẽ tổ chức họp báo công khai và kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi chống đối.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn!