Bế tắc đầu vào
Sau giai đoạn cực thịnh với sĩ số toàn trường trong mỗi năm học đạt từ 200 đến 250 học sinh gồm 15 lớp thì từ năm học 2007-2008 đến nay, số lượng học sinh của trường ngày càng “èo uột”, thường xuyên ở mức dưới 100, thấp nhất là năm học 2011-2012, toàn trường chỉ có hơn 70 học sinh. Theo số liệu tổng hợp kết quả tuyển sinh hệ chính quy của trường trong 5 năm học gần đây cho thấy có năm chỉ tuyển được 10% chỉ tiêu, cụ thể là: Năm học 2008-2009 tuyển được 36/350 chỉ tiêu; 2009-2010 là 55/269 chỉ tiêu; 2010-2011 là 51/135 chỉ tiêu; 2011-2012 là 33/150 chỉ tiêu; 2012-2013 là 58/175 chỉ tiêu. Nhiều ngành học, kết quả tuyển sinh quá thấp, thậm chí có ngành không tuyển được học sinh nào như: Hội họa, Thư viện, Bảo tàng.
Không những bế tắc đầu vào mà trong quá trình đào tạo, nhà trường cũng vẫn tiếp tục bị “chảy máu” học sinh. Do quá trình đào tạo các chuyên ngành nghệ thuật, nhất là nghệ thuật truyền thống đòi hỏi cường độ học tập, rèn luyện cao và chi phí mua sắm trang phục, đạo cụ rất lớn nên có em không chịu được áp lực đã phải bỏ giữa chừng. Hoặc có nhiều học sinh xác định vào trường chỉ là giải pháp tình thế, tạo bước đệm để có thêm kinh nghiệm tiếp tục thi tuyển lên bậc cao hơn.
Ví dụ: Ở khoa Thanh nhạc, năm học thứ nhất có 12 em nhưng sang năm thứ 2 chỉ còn 6 em. Hay như năm học 2010-2011, trường tuyển được một lớp múa với 6 em đồng đều về thanh sắc lẫn năng khiếu nhưng sau một năm học đầu tiên, cả 6 em cùng thi đỗ Đại học và chuyển đi hết… Vì vậy, cứ sau mỗi năm học, hầu hết các ngành học trong trường lại giảm đi một số học sinh, chỉ riêng khoa Nghệ thuật biểu diễn Dân ca Quan họ là ổn định.
Vì đâu nên nỗi…
Hoạt động đào tạo văn hóa nghệ thuật là một quá trình sư phạm đặc thù, đặc biệt là đào tạo tài năng các bộ môn nghệ thuật truyền thống như: Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Ca trù, Tuồng, Chèo, Trống quân, Thanh nhạc, Nhạc cụ dân tộc, Múa, Mỹ thuật… Phương pháp dạy chủ yếu trong các trường này là một thầy một trò hoặc hai đến ba thầy cô một trò, một dàn nhạc chỉ phục vụ một trò. Quá trình học tập, rèn luyện của học sinh đòi hỏi phải rất công phu, khổ luyện trong một thời gian dài và tốn kém nhưng khi ra trường lại rất khó có được một việc làm ổn định. Học sinh cũng có tâm lý so sánh, khi phải mất 3 năm để có được bằng Trung cấp trong khi đó để có bằng Đại học của nhiều trường khác chỉ mất 4 năm mà đầu vào cũng không quá khó. Đó là những nhân tố làm ảnh hưởng căn bản đến tâm lý học sinh khi lựa chọn học các ngành văn hóa nghệ thuật.
Trong số các chuyên ngành đào tạo của Trường TCVHNT&DL Bắc Ninh, chỉ ngành Nghệ thuật biểu diễn Dân ca Quan họ duy trì ổn định số lượng học sinh qua các năm học.
Bà Nguyễn Thị Hằng, Phó Hiệu Trưởng Trường TCVNT&DL tỉnh tâm sự: “Nhiều người không hiểu hết những đặc thù của các chuyên ngành đào tạo năng khiếu nghệ thuật nên cho rằng tình trạng khó khăn của trường như vậy tất cả đều do chất lượng đào tạo yếu kém. Nhưng thực chất không phải vậy, đó chỉ là một trong số rất nhiều nguyên nhân mà sự tác động mạnh mẽ và chủ yếu nhất là bởi các nguyên nhân khách quan mang tính đặc thù. Nói vậy không phải để bao biện hay thanh minh mà chỉ mong các cấp, các ngành và toàn xã hội có sự thấu hiểu, đồng cảm rồi chia sẻ với những khó khăn mà các trường đào tạo năng khiếu nghệ thuật đang phải đối mặt, trong đó có trường chúng tôi”.
Với đặc thù riêng nên những năm qua Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, chế độ ưu đãi đối với hoạt động đào tạo các tài năng văn hóa nghệ thuật, tiêu biểu là Quyết định số 82/2005/QĐ-TTg ban hành ngày 18-4-2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên các bộ môn nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hóa nghệ thuật. Nhưng trong khi các tỉnh, thành phố trên cả nước đã áp dụng thực hiện từ những năm trước thì ở Bắc Ninh hiện vẫn chưa khởi động. Và còn rất nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan khác tác động như: tỷ lệ học sinh có năng khiếu nghệ thuật không nhiều nên số đăng ký dự thi ít; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của trường còn nhiều thiếu thốn; bất cập trong biên chế giáo viên, môn thì thừa nhưng môn lại thiếu; nhà trường chưa thực hiện những giải pháp đồng bộ để tuyên truyền, nâng cao chất lượng, uy tín trong các đợt tuyển sinh…
Lưu diễn để chiêu sinh
Đối mặt với sự khủng hoảng nhưng không né tránh khó khăn, mùa tuyển sinh năm nay, Trường TCVHNT&DL tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp với hy vọng sẽ cải thiện được tình hình. Ông Nguyễn Văn Cương, Hiệu trưởng Trường TCVHNT&DL tỉnh cho biết: Ngoài việc tuyên truyền trực quan, phát tờ rơi và thông tin trên các trang điện tử của ngành, của sở thì trường còn có những giải pháp mang tính đột phá trong công tác tuyên truyền tuyển sinh như việc tổ chức cho giáo viên, học sinh nhà trường xuống các thôn làng, trường học để biểu diễn quảng bá và chiêu sinh. Hình thức này có nhiều tác dụng, vừa khơi dậy tình yêu, lòng đam mê nghệ thuật, nhất là các môn nghệ thuật truyền thống trong mỗi người dân, vừa giúp học sinh của trường được rèn luyện bản lĩnh, kinh nghiệm trên sân khấu, đồng thời quảng bá hình ảnh về trường để khuyến khích, thu hút học sinh đăng ký tham dự tuyển sinh.
Do kinh phí hạn hẹp nên thời gian qua, trường mới chỉ phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Bắc Ninh để biểu diễn 10 buổi tại 10 trường THCS và Tiểu học trên địa bàn. Mục tiêu của trường là sẽ đến biểu diễn ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh. Đặc biệt, nhà trường sẽ tích cực hơn trong công tác tham mưu để tỉnh quan tâm, triển khai áp dụng thực hiện quy định về chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên các bộ môn nghệ thuật truyền thống trong thời gian sớm nhất.
Trường TCVHNT&DL Bắc Ninh cũng sẽ “bắt tay” liên kết, liên thông để mở rộng các loại hình đào tạo dài hạn, ngắn hạn với nhiều trường và nhiều địa phương trên khắp cả nước; tổ chức các lớp luyện thi ngắn hạn, dạy năng khiếu nghệ thuật cho các đối tượng có nhu cầu tại trường trong dịp hè; mời các đơn vị tuyển dụng đến thảo luận, trao đổi để rút kinh nghiệm trong phương pháp đào tạo, giảng dạy; tăng cường công tác quản lý, đưa hoạt động giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh trong trường ngày càng đi vào nền nếp; xiết chặt việc tổ chức thi và chấm điểm các môn học trong năm…
Mặc dù đến thời điểm hiện tại, những giải pháp trên chưa bộc lộ kết quả song nếu được sự quan tâm phối hợp, động viên kịp thời của các cấp, các ngành thì đây hẳn là “bài thuốc” bổ ích, hữu hiệu để từng bước điều trị “căn bệnh” nan giải trong công tác tuyển sinh ở Trường TCVHNT&DL Bắc Ninh hiện