khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ ba, 18/06/2013 - 09:09

Ý thức tuân thủ pháp luật

Thời gian gần đây, việc trộm cắp thiết bị điện tử xảy ra trong địa phận Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (khu công nghiệp Yên Phong) không còn là vấn đề hiếm gặp. Những linh kiện điện tử nhỏ gọn, giá trị cao đã làm cho một số công nhân nảy lòng tham.


Đã có nhiều vụ việc xảy ra, nhiều đối tượng trộm cắp đã bị lĩnh án thích đáng. Vụ trộm do Nguyễn Thị Dung (sinh năm 1992 ở xã Dũng Liệt, Yên Phong) gây ra cũng là một trong số đó. Tuy nhiên, qua vụ việc này lại cho thấy một khía cạnh khác về ý thức tuân thủ pháp luật.

Ngày 20-5-2012, Dung (là công nhân kho SUB 1 của Công ty Samsung) điện thoại cho Nguyễn Văn Tuất là lái xe của Công ty INTOPS Việt Nam có nhiệm vụ lái xe vận chuyển hàng hóa ra vào Công ty Samsung. Dung thỏa thuận với Tuất vận chuyển hàng ra ngoài để chồng Dung là Nguyễn Quốc Thức mang bán lấy tiền chia nhau. Khi Tuất vận chuyển 600 chiếc Rear điện thoại di động (hàng chất lượng nhưng vờ là hàng lỗi) ra ngoài nhà máy, đang bàn giao hàng cho Thức thì bị phát hiện. Thức và Tuất bỏ chạy nhưng sau đó đã cùng Dung đến cơ quan công an đầu thú.

Trong tổng số 600 chiếc Rear điện thoại các bị cáo trộm cắp, đã có 593 chiếc được thu hồi trả lại công ty, 7 chiếc bị hư hỏng. Các bị cáo cũng đã tự nguyện bồi thường toàn bộ thiệt hại cho công ty. Căn cứ cung cấp của đại diện nguyên đơn dân sự (Công ty Samsung), Hội đồng Định giá tài sản huyện Yên Phong đã định giá 01 chiếc Rear điện thoại Samsung loại GT-S5830 trị giá 355.000 đồng. Do đó, tổng giá trị tài sản bọn Dung trộm cắp lên đến 231 triệu đồng.

Dung, Tuất, Thức bị xét xử theo khoản 3 Điều 138 Bộ luật Hình sự. Bản án hình sự sơ thẩm số 150/2012/HSST  ngày 8-11-2012 của TAND huyện Yên Phong đã xử Nguyễn Thị Dung 4 năm tù giam; Nguyễn Văn Tuất 3 năm tù nhưng cho hưởng án  treo, thời gian thử thách 5 năm; Nguyễn Quốc Thức 30 tháng tù nhưng cho hưởng án  treo, thời gian thử thách 55 tháng 6 ngày.

Bị cáo Nguyễn Thị Dung đã kháng cáo xin được giảm nhẹ hình phạt với lý do việc định giá tài sản trộm cắp không chính xác. Theo Dung trình bày, mỗi chiếc Rear điện thoại như trên báo giá tại kho chưa đến 70.000 đồng. Khi nhập về kho cũng chưa được gia công thêm nên không thể có giá 355.000 đồng. Dung còn khai, do đại diện công ty (được ủy quyền làm việc với các cơ quan tiến hành tố tụng) ghét bọn trộm cắp nên đã cung cấp giá cao hơn nhiều lần so thực tế.

Ở giai đoạn xét xử phúc thẩm, Hội đồng Định giá tài sản trong tố tụng tỉnh Bắc Ninh  đã kết luận mỗi chiếc Rear điện thoại Samsung loại GT-S5830 khi nhập về đến kho SUB 1 có 69.090 đồng (theo giấy báo giá của công ty). Tổng trị giá 600 chiếc Rear bị trộm cắp là 41.454.000 đồng. Với kết luận định giá này, vị đại diện nguyên đơn dân sự không có ý kiến gì. Vì vậy, trong phiên tòa ngày 26-4-2013, HĐXX phúc thẩm đã chuyển Dung, Tuất, Thức sang xét xử theo khoản 1 Điều 138. Cả 3 bị cáo đều được hưởng án treo: Dung bị phạt 18 tháng, Tuất 12 tháng, Thức 10 tháng tù.

Đến nay, không ai có thể chứng minh được động cơ cung cấp thông tin về giá của đại diện Công ty Samsung là do ghét trộm cắp như bị cáo Dung trình bày. Tuy nhiên, một thực tế hiển nhiên là do thông tin cung cấp không chính xác từ phía Công ty Samsung và sự sơ khoáng của Hội đồng Định giá tài sản huyện Yên Phong, tổng trị giá tài sản của vụ trộm cắp đã được đội lên gấp 5 lần. Chính vì vậy, nếu không có phiên tòa phúc thẩm thì hình phạt mà các bị cáo phải nhận sẽ cao hơn rất nhiều so với hành vi phạm tội của họ.

Tội phạm là hành vi đáng bị lên án và trừng trị nghiêm minh. Tuy nhiên, ý nghĩa của hình phạt chỉ có tác dụng giáo dục riêng và phòng ngừa chung nếu nó được tiến hành đúng pháp luật. Thiết nghĩ, các bị hại hay nguyên đơn dân sự cũng cần phải có thái độ tuyệt đối tuân thủ pháp luật để đảm bảo công bằng xã hội.
Vân Giang - BBN
Top